Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Xây dựng ý thức về phòng, chống tảo hôn từ trên ghế nhà trường

Biên phòng - Theo thống kê UBND huyện Minh Long và Trung tâm Dân số (tỉnh Quảng Ngãi), năm 2022, địa phương này có 5 trường hợp tảo hôn; 18 bà mẹ sinh con khi dưới 18 tuổi. Trước thực trạng này, hoạt động phòng, chống tảo hôn tại địa phương được triển khai mạnh mẽ. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Trung học cơ sở huyện Minh Long là nơi các thầy, cô giáo xem học sinh như con, dìu dắt các em xây dựng ý thức về phòng, chống tảo hôn.

Các em học sinh luôn nhận được sự tư vấn từ cô giáo Tổng phụ trách đội. Ảnh: Văn Chương

Trường “rèn người”

Huyện miền núi Minh Long là nơi có ngọn núi Đá Vách cao 1.126 mét. Những bản làng bị chia cắt bởi rất nhiều con suối, vào mùa mưa biến thành con sông. Hiện nay, khoảng cách hơn 30km giữa huyện Minh Long và thành phố Quảng Ngãi đã được rút ngắn rất nhiều nhờ tuyến giao thông đi lại thuận lợi. Ánh sáng đã phủ khắp các bản làng, nhưng thỉnh thoảng những tập tục trong quá khứ có liên quan tới nạn tảo hôn vẫn khiến làng quê chao đảo. Một cán bộ địa phương kể về việc có 2 gia đình đang quay ra “nói khó nghe” với nhau, cũng chỉ vì hứa gả, nhưng rồi “tình yêu không thành, xóm làng biết hết”.

Chuyện xảy ra vào năm 2022, do 2 gia đình “ưng bụng quá rồi” nên đã để cô con gái đang là học sinh lớp 10 sang nhà trai, chờ đủ 18 tuổi thì mới tổ chức đám cưới. Cán bộ thôn báo với cấp trên và ở trường cũng lập tức nắm được tình hình. Một cán bộ thôn xin không tiện nêu tên cho biết: “Mọi người bàn cách can ngăn, tác động với gia đình không nên cho hai đứa quen biết sớm, làm như thế là ảnh hưởng chung tới thế hệ sau, nên 1 trong 2 gia đình đã nghe ra không gả con sớm mà chờ đến khi đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, thành thử gia đình còn lại bức xúc”.

“Hứa gả” không chỉ là phong tục của đồng bào vùng cao ở tỉnh Quảng Ngãi, mà cũng là phong tục của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn ở tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận. Theo báo cáo của UBND huyện Minh Long, năm 2022, địa phương này đã tổ chức 3 cuộc tư vấn sức khỏe sinh sản, phòng, chống tảo hôn tại 5 trường học trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” giai đoạn II, 2021-2025”. Tại địa phương này, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Trung học cơ sở huyện Minh Long trở thành môi trường để kéo các em ra khỏi vòng luẩn quẩn.

Cô giáo Đoàn Thị Hương, Tổng phụ trách đội chia sẻ câu chuyện chống tảo hôn bằng giọng nói thể hiện sự quan tâm, xen lẫn nỗi lo lắng, sốt sắng thực sự mỗi khi “nghe chuyện” ở bản báo cáo lên cấp trên. Là cộng tác viên về tư vấn tâm lý nên cô Hương giành thời gian chuyện trò với các em học sinh nữ trong trường, đặc biệt là các em học sinh khối lớp 9, vì ở cái tuổi này, trước đây nhiều học sinh đã được bố mẹ cho nghỉ học để ở nhà lấy chồng. Chính vì vậy, cô Hương và các thầy cô giáo trong trường luôn lo lắng, tìm phương án giải quyết mỗi khi nghe chuyện học sinh “được bố, mẹ gật đầu cho 2 đứa gặp nhau”.

Môi trường lành mạnh

Giờ ra chơi, các em học sinh khối lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Trung học cơ sở huyện Minh Long râm ran tiếng cười của các em học sinh. Có em thắc mắc về cụm từ “chống tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số” và hỏi cô Hương, cụm từ trên có phải hơi phân biệt giữa người trên này và dưới đồng bằng? Cô Hương giải thích rằng, đó là vì trên này vẫn còn phảng phất phong tục “hứa gả” của các bậc phụ huynh. Vì vậy, nếu các em phát hiện ra trường hợp nào thì phải báo cáo ngay cho nhà trường để tìm cách can thiệp.

Em Phạm Thị Tình Anh cho biết, các cô giáo thường giáo dục về tuổi kết hôn của nữ giới và cách chăm sóc bản thân. Ảnh: Văn Chương

Quan sát những em học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và Trung học cơ sở huyện Minh Long, phần lớn các em học sinh nữ cùng trang lứa nhưng đều phát triển hình thể tốt hơn học sinh nam. Cô Hương cười và cho biết: “Phần lớn các cậu học cùng lớp đều nhỏ hơn học sinh nữ, sĩ số học sinh nữ ở trong trường cũng luôn cao hơn học sinh nam”. UBND huyện Minh Long có báo cáo về việc đã cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường không để con em họ tảo hôn.

Trong nhóm các em học sinh nữ trong giờ ra chơi, một số em học sinh khối lớp 9 nhưng có vẻ phát triển sớm hơn các bạn khác, có chiều cao tốt hơn, như: Đinh Thị Liếp, Đinh Hữu Vi Va, Đinh Thị Phương Hằng… Các em cho biết, khi vào trường học tập luôn được các thầy, cô giáo nhắc nhở, giáo dục về các nội dung giới tính, hôn nhân và gia đình, tác hại của nạn tảo hôn, đưa ra những ví dụ về các cặp đôi từng cưới nhau sớm, làm cha mẹ khi đang ở độ tuổi vui chơi.

Cô Đoàn Thị Hương chia sẻ cách giáo dục các em học sinh mỗi khi nghe dưới bản “xì xào”. Đó là kéo các em nữ ra khỏi mớ bùng nhùng đang suy nghĩ trong đầu bằng cách cho tham gia chương trình văn nghệ. Các em được tập đi, tập lại các tiết mục múa, hát của đồng bào dân tộc H’rê. Rồi cho các em tham gia chơi các môn thể thao…

Văn Chương


top