Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Vùng dân tộc thiểu số đổi thay từ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Biên phòng - Linh hoạt triển khai chính sách dân tộc, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và sát với nhu cầu thực tế của người dân, các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang từng ngày khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Bà H’Ban Niê Kđăm thăm mô hình trồng cây tầm vông trên đất xấu. Ảnh: Hoàng Lê

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Xã Ea Bông có 13 thôn, buôn, trong đó, 9 buôn đồng bào DTTS chiếm 2/3 dân số toàn huyện. Đầu năm 2021, Phòng Dân tộc huyện chọn 4 buôn đồng bào DTTS để triển khai mô hình trồng lúa đặc sản. Mô hình đã chọn 40 hộ gia đình khó khăn là đồng bào DTTS với tổng diện tích 23ha để đầu tư hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc lúa theo hướng an toàn.

Ông Y Thu Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết: “Đời sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Giống lúa ST là lúa đặc sản của huyện, giá trị kinh tế cao hơn các giống lúa khác. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu hết bà con trồng các giống lúa thường. Mô hình trồng lúa đặc sản ST rất phù hợp ở vùng đất này. Đặc biệt, các hộ dân tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn rất bài bản. Kết quả là, năng suất lúa rất tốt, bình quân đạt 9 tạ/sào. Mô hình vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giúp bà con thay đổi cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ khó khăn khi được mô hình hỗ trợ cũng có vốn tích lũy, từng bước đầu tư tái sản xuất. Có thể khẳng định, những mô hình như thế này chính là bài toán xóa đói giảm nghèo bền vững của đồng bào”.

Tương tự, mô hình cây tầm vông của gia đình ông Y Pơn Mlô (tên thường gọi là Ama Du), ở buôn Tuor B, xã Dray Sáp cũng được đánh giá là tương đối hiệu quả khi trồng trên vùng đất xấu, khó canh tác. Ông Y Pơn cho biết: “Năm 2017, Phòng Dân tộc huyện vận động, hỗ trợ bà con triển khai thử nghiệm mô hình cây tầm vông, mình đã chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng tầm vông. Đến nay, cây đã đến tuổi thu hoạch, một số thương lái vào vườn hỏi mua, nhưng mình đang chờ được giá, Phòng Dân tộc nghiệm thu, cho phép thu hoạch đại trà, mình mới bán. Với giá bán cây tầm vông hiện nay, diện tích cây tầm vông này cũng thu được khoản tiền kha khá”.

Được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Phòng Dân tộc huyện tham gia hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các mô hình nông nghiệp, ông Mai Rô Đăng Tài, nhân viên Trạm khuyến nông huyện Krông Ana chia sẻ: “Vùng đất này rất khó canh tác, mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì ngập lụt. Nông dân đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác từ cà phê, điều, cây ăn trái, rau màu, nhưng khi canh tác cây lâu năm gặp nhiều khó khăn. Cây tầm vông có nguồn gốc tự nhiên, phát triển tốt ở những địa hình khắc nghiệt. Tùy vào chất đất, có nơi 1-2 năm là có thu, nhưng cũng có nơi phải 3-4 năm”.

Ngoài mô hình cây tầm vông, cây lúa, chính quyền địa phương còn hỗ trợ mô hình tái canh cây cà phê cho một số hộ đồng bào dân tộc Ê Đê tại xã Dray Sáp, giúp bà con phát triển cà phê theo hướng bền vững.

Đầu tư sát với nhu cầu thực tế

Theo báo cáo, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ 27,6%. Toàn huyện có 72 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó, có 26 buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Buôn đồng bào DTTS tại chỗ là buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 1719.

Những năm qua, huyện đã triển khai các chính sách dân tộc một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng bào DTTS được thụ hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ chính sách, đặc biệt là việc đầu tư các mô hình hỗ trợ đồng bào DTTS sát với thực tế, nhu cầu của người dân, cùng với nỗ lực của bản thân, nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo, đời sống được nâng lên đáng kể. Hiện, có 7,58% hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 35,57% tổng số hộ nghèo toàn huyện.

Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, xã Dray Sáp được hỗ trợ một số loại máy móc, phương tiện, tạo thuận lợi cho bà con trong lao động, sản xuất. Ảnh: Hoàng Lê

Ngoài đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp, Phòng Dân tộc huyện còn quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, hình thành các tổ hợp tác nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Điển hình như Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, xã Dray Sáp. Tổ gồm 12 tổ viên, tất cả đều đã được học nghề xây dựng cơ bản, bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Có nghề trong tay, các tổ viên có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình.

Bà H’Ban Niê Kđăm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: “Chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả là nhờ Nghị quyết 07/NQ-HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Ana ngày 11/10/2019 về phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền huyện đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc”.

Trước khi ban hành nghị quyết, năm 2018, Huyện ủy chỉ đạo Phòng Dân tộc đi khảo sát mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS. Sau đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 07 về phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Huyện ủy chỉ đạo Phòng Dân tộc xây dựng kế hoạch, tham mưu hỗ trợ các mô hình đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế.

Phòng Dân tộc đã hỗ trợ Tổ hợp tác xây dựng, may mặc, mô hình tái canh cà phê theo hướng xen canh, trồng lúa đặc sản... Khi triển khai mô hình, phòng phối hợp với trạm khuyến nông tổ chức tập huấn cho bà con nắm bắt khoa học, kỹ thuật, đồng thời giám sát, theo dõi phát triển mô hình.

“Qua 2 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy các mô hình sát với nhu cầu của người dân và đạt hiệu quả tích cực. Chúng tôi cố gắng hướng đến mục tiêu cả 26 buôn đồng bào DTTS đều được hỗ trợ theo Nghị quyết 07 của Huyện ủy” - Bà H’Ban Niê Kđăm nhấn mạnh.

Hoàng Lê


top