Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Vừa răn đe, vừa giáo dục để đẩy lùi hủ tục ra khỏi cộng đồng

Biên phòng - Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền, vận động mà cần có những chế tài xử phạt thích đáng, thậm chí xử phạt hình sự những trường hợp tảo hôn để răn đe, giáo dục. Kèm theo đó là áp dụng các luật tục nghiêm khắc của đồng bào đối với những trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi chưa đến tuổi theo quy định. Có như thế mới mong đẩy lùi hủ tục ra khỏi cộng đồng.

Bỏ học lập gia đình và sinh con sớm khiến nhiều người phụ nữ có cuộc sống khó khăn. Ảnh: Tiêu Dao

Dọc các bản làng Bhnong miền núi Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi ngỡ ngàng trước các cặp vợ chồng đang tuổi đến trường hồn nhiên cưới nhau và sinh con. Bác sĩ Lương Đình Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam nói, hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn dai dẳng ở vùng cao nhiều năm nay.

Huyện Phước Sơn có trên 15 thành phần dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm khoảng 70% dân số toàn huyện. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn thấp, kèm theo hủ tục nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến, làm mất đi cơ hội học tập và cải thiện điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi.

Nhà của Hồ Thị Hí ở thôn 2 (xã Phước Thành). Hí bế con, ánh mắt vẫn ngơ ngác như đứa trẻ, rụt rè kể chuyện. Hí sinh năm 2001, năm ấy vừa mới 14 tuổi nhưng đã tay bế, tay bồng. Mấy năm trước, nghỉ Hè về làng, Hí có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi, người cùng làng). Hai “vợ chồng” không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về dựng tạm căn nhà ngay đầu làng, âm thầm sống với nhau và đứa bé chào đời. Lúc mang bầu, Hí phải nghỉ học.

Tôi hỏi Hí có muốn đi học nữa không? Em cúi gầm mặt: “Em muốn đi học nhưng có con rồi ai giữ con cho mà đi. Giờ đến lớp xấu hổ với bạn bè lắm”. Dân làng bảo, Hí vốn là đứa trẻ ngoan và ham học. Chuyện tình cảm giữa Hí và Song nảy sinh, rồi Hí có bầu khiến dân làng ai cũng bất ngờ.

Tôi hỏi Hí và người nhà em rằng: “Chính quyền có biết không? Có nói gì không?”. Hí đáp: “Biết chứ. Chúng em ra xã xin đăng ký nhưng xã không cho vì chưa đủ tuổi. Lỡ có bầu nên dắt nhau về sống, bao giờ đủ tuổi thì kết hôn”.

Nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tổ chức tại Phước Sơn. Ảnh: Tiêu Dao

Ngoài Hí, tại xã Phước Thành còn có 2 trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi phải nghỉ học để lấy chồng. Sang xã bên (Phước Lộc) cũng lại 2 em vừa mang bầu, bỏ học. Như em Hồ Thị T (thôn 8b, xã Phước Lộc) chưa đủ 14 tuổi đã lấy chồng. Lấy chồng sớm dẫn đến sinh con sớm, khó khăn đầu tiên mà các em phải đối mặt đó là không biết cách chăm sóc con cái, không biết chăm lo cho gia đình; vấn đề tìm việc làm, kiếm tiền để trang trải cho những nhu cầu tối thiểu hằng ngày cũng rất khó khăn…

Tương tự, Hồ Văn Kiên, ở xã Phước Năng (30 tuổi), có vợ là Hồ Thị Tiên (23 tuổi) rơi vào cảnh bi đát khi kết hôn cận huyết thống. Họ nên duyên vợ chồng, sinh 2 người con bị tàn tật. Năm 2012, khi Kiên 24 tuổi thì yêu Tiên mới 16 tuổi và có bầu. Nhà Kiên có cuộc sống nghèo khó nên đưa Tiên về sống chung không tổ chức lễ cưới. 2 người nhờ anh em lên rừng đốn cây, mua tôn làm được căn nhà rộng hơn 30m2 ra ở riêng ở phía cuối làng.

Đứa con đầu lòng của vợ chồng trẻ ra đời bị bệnh bại não do quan hệ cùng huyết thống. Sau thời gian chung sống, đứa con thứ hai ra đời cũng bị tật nguyền. Người vợ trẻ nuôi 2 người con nên không thể gánh vác công việc cùng chồng. Cuộc sống gia đình chỉ có Kiên lao động lo cho cả gia đình.

Đáng lo ngại, hiện nay, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở những bản làng xa xôi, mà đang len lỏi vào học đường. Trong năm học 2022-2023 cũng đã có 5 em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn bỏ học để lấy nhau; nhà trường đã nhiều lần cử cán bộ, giáo viên phối hợp với chính quyền các địa phương có học sinh bỏ học để tuyên truyền, giáo dục, vận động các em ra lớp nhưng kết quả không mấy khả quan.

Thầy giáo Đặng Đình Mỹ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Kim (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) trăn trở, theo phong tục của người Bhnoong ở Phước Sơn, “mùa bắt vợ” bắt đầu từ tháng 3 âm lịch đến tháng 12 hằng năm. Các thầy, cô giáo dạy học ở trên này rất lo mỗi khi bước vào năm học mới, nhiều học sinh nữ đang đến lớp bỗng dưng nghỉ học rồi không bao giờ quay trở lại trường nữa, vì đã có người “bắt” làm vợ. Và cả những học sinh nam bỗng có vợ lúc mới 15-16 tuổi.

Mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại xã Phước Năng và xã Phước Mỹ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Tiêu Dao

Theo các quy định hiện hành, Nhà nước tôn trọng và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân, gia đình của các dân tộc thiểu số. Đối với các hủ tục như bắt vợ mục đích để cưỡng ép phụ nữ làm vợ, lợi dụng mê tín dị đoan cản trở quyền tự do kết hôn của nam nữ... thì trái với Luật Hôn nhân và gia đình và đều bị nghiêm cấm.

Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn cho biết, những năm trở lại đây, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn giảm xuống từ 27-28%. Cụ thể, năm 2015 toàn huyện có đến 143 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp kết hôn cận huyết thống; năm 2016 có 64 trường hợp; năm 2017 có 48; năm 2018 giảm xuống còn 40; 6 tháng đầu năm 2019 có 17 trường hợp.

Bà Hồ Thị Hồng Hảo,Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết, theo thống kê đến cuối năm 2021, toàn huyện Phước Sơn có 40 trường hợp tảo hôn, nhiều nhất là xã Phước Thành với 10 trường hợp và thị trấn Khâm Đức là 8 trường hợp. Số lượng tảo hôn tuy có giảm so với cuối năm 2020 là 3 trường hợp, song không đáng kể và không bền vững.

“Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền vận động, mà cần có những chế tài xử phạt thích đáng, thậm chí xử phạt hình sự những trường hợp tảo hôn để răn đe, giáo dục. Kèm theo đó là áp dụng các luật tục nghiêm khắc của đồng bào đối với những trường hợp vi phạm” - bà Hảo nói.

Mới đây, vào ngày 23/3/2023, tại huyện Phước Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra mắt mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Tham gia mô hình có 200 người dân của 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ. 2 xã này có địa bàn khá rộng, trong khi đó trình độ dân trí còn thấp nên việc tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật đến người dân còn hạn chế.

Thành lập mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” là việc làm rất cần thiết hiện nay. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân nhằm giảm thiểu tình này trong thời gian tới.

Tiêu Dao


top