Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Vừa nhắc người dân ra đồng, vừa tuyên truyền về chống tảo hôn

Biên phòng - Buổi sáng, Trung tá Phan Văn Năm, cán bộ phụ trách địa bàn bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại đến nhà đồng bào người Chứt trong bản nhắc nhở “ra đồng chăm sóc lúa, nhổ cỏ”. Có người trả lời “miềng ăn xong cái đã, từ từ miềng mới đi”. Trung tá Năm và anh em Biên phòng cắm bản, ngoài việc nhắc nhở bà con ra đồng còn tuyên truyền cho bà con về việc chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Phụ nữ và trẻ em ở bản Ka Ai. Ảnh: Văn Chương

Quốc lộ 12A đi xuyên qua rừng núi hoang sơ tuyệt đẹp, dọc đường là những di tích lịch sử nổi tiếng như: Ngã 3 Khe Ve, La Trọng, cầu Bãi Dinh, đồi 37 Cha Quang, cụm di tích Cổng Trời, Cha Lo, đèo Mụ Giạ. Hằng ngày, có hàng ngàn chiếc xe container đi rầm rập trên cung đường xuyên Á, qua Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Dù cuộc sống mang màu sắc của xã hội văn minh diễn ra trên cung đường này, nhưng có những thôn, bản nằm ở hai bên đường, sự tiến bộ của đồng bào nhích về phía trước rất chậm chạp, nhiều người vẫn sống theo bản năng tự nhiên.

Bản Ka Ai nằm cách Quốc lộ 12A chỉ vài km, con đường rừng hiện ra những ngôi nhà đã chuyển sang xây dựng bằng xi măng, côt thép xen lẫn nhà làm bằng gỗ. Điểm sáng nhất của bản là những ngôi trường, những đoạn đường được bê tông hóa, những khuôn mặt với ánh mắt sáng của lớp người trẻ. Khi nghe tôi hỏi về nạn tảo hôn, một người dân bản chỉ vào cô gái trẻ, nét mặt khá xinh, nụ cười tươi và nói, “cô này thì vừa đủ tuổi mới lấy chồng, còn thế hệ trước đây chỉ 15-16 tuổi là kết hôn”.

Trung tá Nguyễn Văn Năm, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình được giao nhiệm vụ cắm bản nên hiểu được mọi ngóc ngách cuộc sống của các gia đình ở đây. Theo lời Trung tá Năm, từ Quốc lộ 12A đi vào bản Ka Ai phải vượt qua một số dòng suối, ngầm tràn cắt ngang đường, mỗi khi mưa lớn ở phía núi Giăng Màn trong khoảng 2 giờ liên tục thì nước lũ sẽ tràn về các con suối nằm quanh bản Ka Ai dẫn đến giao thông bị chia cắt, bên cạnh đó, địa hình ở bản Ka Ai cũng là một trong những đặc điểm dẫn tới việc thanh niên ít kết giao rộng rãi với cuộc sống bên ngoài, đây là nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn, hôn cận huyết thống còn diễn ra phổ biến trong giới trẻ.

Thiếu tá Hồ Xuân Thon, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tuyên truyền về chống tảo hôn cho phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Văn Chương

Những người lớn tuổi ở bản Ka Ai như Hồ Thị Vương, Hồ Duật, Hồ Xăng, Hồ Dâm… khi tôi hỏi về việc thời trẻ bao nhiêu tuổi thì lập gia đình, họ đều cười và thật thà nói về việc “cứ 15-16 tuổi là miềng (mình) cưới vợ, cưới chồng rồi”, hay “cứ sang nhà bên đó đi lại cho gần, cứ lấy nhau trong bản…”. Họ đã được BĐBP tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống như: Trẻ em sớm bị khiếm thính và suy giảm thị lực; mang gen bệnh, bị mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh di truyền); các chứng dị tật bẩm sinh vì rối loạn di truyền; khuyết tật hoặc chậm phát triển về mặt trí tuệ; chậm hoặc không thể phát triển thể chất; bị chứng động kinh, bệnh lý rối loạn máu…

Ở bản Ka Ai vào một buổi sáng tháng 5/2023, khi nghe tin lúa ngoài đồng đang lên xanh tốt và BĐBP cắm bản thúc giục bà con ra đồng chăm sóc lúa, làm cỏ, bà Hồ Thị Vương và những người phụ nữ lớn tuổi khác gọi nhau ra đồng theo lời nhắc của BĐBP, nhưng ở giữa xóm thì những người phụ nữ trẻ vẫn ngồi ở nhà để lo cho con. Chị Hồ Thị Xanh tay ôm 2 người con, một cậu con trai đu sau lưng. Chị cười và cho biết, đứa nhỏ nhất là Hồ Trung năm nay 6 tuổi, Hồ Văn, năm nay 7 tuổi và Hồ Thị Kim Ngọc, năm nay 9 tuổi.

- Trẻ tuổi quá, nhưng sao toàn con lớn, vậy năm nay em bao nhiêu tuổi, lúc kết hôn là bao nhiêu tuổi?

Nghe tôi hỏi, chị Xanh cười to và tiếng cười rất tự nhiên. Chị chuyển hướng câu chuyện và nói, chồng chị là Hồ Bắc, đang đi làm rẫy, hỏi anh Bắc thì biết chứ em không biết tuổi là bao nhiêu. Những người phụ nữ cùng ngồi với chị Xanh nhao nhao la to: “Cưới chồng sớm hết, 16-17 tuổi là cưới chồng rồi, còn bây giờ BĐBP tuyên truyền thì phải đủ tuổi mới kết hôn”.

Trong thời gian qua, BĐBP cắm bản đã tuyên truyền cho chị em về việc tảo hôn sẽ gây ra những tác hại như: Các em làm mẹ ở tuổi 15 thường dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Các cháu được sinh ra bởi những người mẹ chưa đến 18 tuổi thường chiếm tỷ lệ cao với các triệu chứng: Còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật…

Chị Hồ Thị Nhược, bạn của chị Xanh thật thà thú nhận là 16 tuổi mình đã lấy chồng, hiện nay có 3 đứa con, chồng tên là Hồ Thinh, đang đi làm rẫy. Cán bộ BĐBP thường xuyên nhắc chị em là phải đúng 18 tuổi thì mới được lấy chồng, còn nam giới là 20 tuổi.

Ông Hồ Thiên, Bí thư Chi bộ bản Ka Ai cho biết, trước đây, phần lớn các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi nhưng đều kết hôn, nhưng thời gian qua, địa phương và BĐBP tích cực tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn đã giảm đi đáng kể, chỉ còn lác đác một số trường hợp, nhiều thanh niên đã nhận thức được mặt trái của tảo hôn nên đã chờ đúng tuổi để kết hôn.

Văn Chương


top