Vang xa tiếng kẻng vùng biên Đắc Tôi
- Chính sách Dân tộc - Tôn giáo
- |
- Thứ ba, 10/05/2022 10:38 GMT+7
Biên phòng - Mới đây, có dịp trở lại thăm xã vùng biên Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của vùng đất này. Những ngôi nhà của bà con đồng bào dân tộc Tà Riềng còn thơm mùi gỗ mới, đường giao thông nông thôn trải thảm bê tông đến tận các thôn; điện, trạm y tế, trường mẫu giáo, trung tâm văn hóa, thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn được xây dựng kiên cố. Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” đã góp phần làm đổi thay đời sống của người dân vùng biên xa xôi này…
Với đặc thù là địa phương vùng cao có đông đồng bào dân tộc Tà Riềng sinh sống, những năm qua, xã vùng biên Đắc Tôi luôn giữ được những nét đẹp trong phong tục tập quán của dân tộc Tà Riềng. Xã chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển nghề đan lát, dệt thổ cẩm, nghề rèn, nghề khai thác mật ong rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các lễ hội như: Lễ hội Choóc đăil, Lễ cầu may, Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ ăn trâu mừng mùa,... luôn được bảo tồn và gìn giữ. Bên cạnh đó, việc nói không với tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc ở các thôn trong xã được bà con dân tộc Tà Riềng nơi đây thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, duy trì nếp sống văn minh, tạo thành sức mạnh tổng hợp làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi trên huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, vào những năm khi chưa chia tách xã, mỗi thôn lúc đó đều có một cái kẻng để tiện cho việc họp dân. Năm 2011, xã La Dêê được chia tách thành hai đơn vị hành chính là xã La Dêê và Đắc Tôi. Để mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” triển khai thiết thực và hiệu quả, nhiều cuộc họp dân được UBND xã Đắc Tôi tổ chức thường xuyên để quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung, ý nghĩa của mô hình này.
Chính quyền địa phương trang bị cho mỗi thôn 1 cây kẻng đặt ngay tại Nhà văn hóa để thuận tiện xử lý khi có tình huống xảy ra. Người phụ trách đánh kẻng là Trưởng thôn. Đồng thời, hựớng dẫn cho Ban Dân chính các thôn về nội dung, cách thức sử dụng và nhận biết tín hiệu kẻng một cách thuần thục, rõ ràng.
Hàng quý, cứ 3 tháng một lần, Ban Chỉ đạo mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” họp một lần, qua đó, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của từng thôn. Từ đó, mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, đồng hành với việc học hành của học sinh các cấp học trong xã, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên khu vực biên giới.
Tâm sự cùng chúng tôi, anh Zơrâm Thuần, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Đắc Tôi cho biết: “Đắc Tôi có địa bàn khá rộng, đường biên giới giáp với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào, có 99% là đồng bào dân tộc Tà Riềng sinh sống, với hơn 1.110 nhân khẩu (tính đến tháng 12-2021). Để thực hiện phương châm "Vững vàng biên giới, bình yên thôn xóm", từ năm 2011, Ban chỉ huy Quân sự xã phối hợp với Ban Dân chính các thôn xây dựng mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”.
Theo đó, mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” gồm: “Tiếng kẻng học bài” và “Tiếng kẻng an ninh”. Với “Tiếng kẻng học bài”, đánh lên đều đặn 5 tiếng là để báo hiệu thời gian các em học sinh trong xã học bài. Còn với “Tiếng kẻng an ninh”, nếu đánh 1 hồi dài liên tục là báo hiệu có trộm cắp xảy ra; đánh 3 tiếng liên tục là báo hiệu có dấu hiệu gây mất an ninh trật tự công cộng; đánh 1 hồi dài, sau đó đánh thêm 3 tiếng nữa là báo hiệu có sự cố cháy, hỏa hoạn hay có mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất...
Mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” ra đời giúp các em học sinh chủ động học và làm bài, ngoài ra còn để bảo vệ tài sản, tính mạng của chính người thân, gia đình mình, nên đông đảo bà con tham gia rất tích cực”.
Theo chân anh Tơngôl Phúc, cán bộ văn hóa xã Đắc Tôi, chúng tôi đi thăm các thôn trong xã. Ngồi trong ngôi nhà văn hóa cộng đồng, anh Zơrâm Vún, Trưởng thôn Đắc Tà Vâng cho biết: “Ở mỗi thôn, chúng tôi đều bố trí một cái kẻng để tiện cho việc họp dân. Hôm nào cũng vậy, khi mặt trời khuất sau những ngọn núi, ngày dần chuyển sang đêm, cũng là lúc tiếng kẻng trên vùng biên này vang lên.
Cứ đúng 19 giờ, thì “Tiếng kẻng học bài” lại đánh lên đều đặn 5 tiếng. Khi ấy, các bậc phụ huynh tất bật lo bữa cơm tối, để con em mình học bài. Và, như đã thành thói quen, hơn 10 năm nay, bất kể mùa nắng hay mùa mưa, hễ nghe hiệu lệnh này là các em ngồi vào bàn học và soạn bài. Qua đó, chúng tôi cũng phân công Ban công tác Mặt trận thôn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đi kiểm tra đột xuất, nếu gia đình nào trong thôn khi nghe kẻng, mà không tạo điều kiện để con em mình học bài, thì chúng tôi sẽ nhắc nhở. Nhiều năm qua, nhờ “Tiếng kẻng học bài” mà hầu hết học sinh trong thôn mình yêu cái chữ hơn, không có con em nào bỏ trường, bỏ lớp nữa chừng”.
Anh Zơrâm Vún cho biết thêm: Bên cạnh “Tiếng kẻng học bài”, đúng 22 giờ, tiếng kẻng cũng được đánh lên 7 tiếng, bà con hiểu đây là “Tiếng kẻng an ninh”. Tất cả đồng loạt đóng cửa, giữ an toàn tài sản của nhà mình và đi ngủ để đảm bảo sức khỏe, ngày mai còn lên rẫy. Hoặc khi trong thôn có dấu hiệu gây mất trật tự công cộng, có thú rừng về phá hoại lúa, hoa màu, hay gặp phải trời tiết mưa bão, lũ quét, lở đất, thì kẻng cũng được đánh lên 3 hồi liên tục để báo động. Tiếng kẻng vang rất xa, nên chừng sau 10 phút, bà con dù đang làm ở trên rẫy hay ở nhà tập trung đông đủ để nghe Ban Dân chính thôn triển khai công việc tại địa phương.
Bà Zơrâm Vứr, 62 tuổi, dân tộc Tà Riềng, thôn Đắc Ro, xã Đắc Tôi phấn khởi nói với chúng tôi: Trước đây, khi chưa có mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, bà con mình đi làm ngoài nương rẫy dài ngày phải lo lắng tài sản ở nhà không có người trông coi. Giờ đây, khi đã có “Tiếng kẻng an ninh”, hàng xóm láng giềng cũng có thể báo tin cho nhau biết khu vực nhà mình ở có sự cố để nhanh chóng về nhà kiểm tra sự việc. So với trước đây, tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn các thôn trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, chưa có vụ trộm cắp tài sản nào xảy ra. Bà con luôn đoàn kết và rất yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Anh Alăng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi khẳng định: “Mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” ra đời đã đem lại lợi ích thiết thực, khơi dậy nét đẹp trong đời sống xóm làng. Hiệu quả thiết thực nhất của mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” chính là khơi dậy được ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm của đông đảo nhân dân. Nhờ vậy, trong những năm qua, “Tiếng kẻng vùng biên” vang lên đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Qua đó, còn thắt chặt tình quân dân ngày càng bền chặt, cùng chung sức, đồng lòng chăm lo cho thế hệ trẻ học hành, xây dựng cuộc sống của đồng bào dân tộc Tà Riềng ngày càng no ấm”.
Nguyễn Văn Sơn