Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Văn hóa của bộ tộc Harari trong thành phố cổ Harar

Biên phòng - Harari là bộ tộc sinh sống ở thành phố Harar, phía Đông Ethiopia. Thành phố Harar hiện nay vẫn còn những tàn tích của nền văn hóa đô thị tiền công nghiệp độc đáo từ thế kỷ 16. Trong nhiều thế kỷ, thành phố Harar là trung tâm chính trị và kinh tế ở Đông Bắc châu Phi, vì thế, ngành nghề chính của bộ tộc Harari là buôn bán thương mại, trao đổi hàng hóa. Mặc dù những thay đổi chính trị và kinh tế trong khu vực khiến dân số bộ tộc Harari phân tán, nhưng họ vẫn tiếp tục buôn bán chủ yếu trong khu vực.

Một khu chợ của người Harari trong thành phố Harar. Ảnh: McCaroll

Người Harari theo đạo Hồi do thành phố Harar nổi tiếng là nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu, học tập Hồi giáo. Trong nhiều thế kỷ, nằm trên sườn núi cao giữa Biển Đỏ và cao nguyên Ethiopia, thành phố Harar là trung tâm thống trị của đạo Hồi ở Đông Bắc châu Phi. Thành phố Harar được ví như thành phố của các vị thánh; nhiều người coi đây là thành phố linh thiêng của đạo Hồi, đứng thứ tư sau thánh địa Mecca, Jerrusalem và Medina.

Năm 2006, thành phố Harar được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản thế giới nhờ lối kiến trúc độc đáo thể hiện rõ nét văn hóa châu Phi. Nhà thờ Hồi giáo Jami tại thành phố Harar là nơi tập trung nhiều người Harari đến cầu nguyện. Ngoài ra, thành phố Harar còn có hơn 150 đền thờ Hồi giáo. Người Harari đều nhịn ăn vào tháng lễ Ramadan (tháng 3, tháng 4 hằng năm) và rất ít người Harari uống đồ uống có cồn.

Theo các nhà nghiên cứu, trong những thế kỷ trước, bộ tộc Harari từng sinh sống ở những khu vực rộng lớn hơn. Tổ tiên của người Harari đã di cư từ eo biển Bab-el-Mandeb đến bờ biển của Somali và mở rộng lãnh thổ định cư vào nội địa. Vào thế kỷ 13, ông Sheikh Abadi – vị tộc trưởng huyền thoại của bộ tộc Harari đã dẫn dắt bộ tộc đến định cư tại cao nguyên Harar. Đến thế kỷ 16, triều đại tiểu vương Nur ibn Mujahid đã xây dựng tường bao quanh thành phố Harar, nhờ đó, văn hóa của bộ tộc Harari đã được bảo tồn và không bị đồng hóa bởi các bộ tộc xung quanh khu vực. Kể từ giữa những năm 1500, người Harari chỉ sống tập trung tại thành phố Harar.

Hầu hết người Harari sống trong những ngôi nhà hình chữ nhật có tường dựng bằng cành cây phủ đất sét và mái nhà lợp tranh. Cách bài trí trong nhà của bộ tộc Harari bị ảnh hưởng nhiều bởi kiến trúc của các dân tộc Arab ven biển. Khu vực thành phố Harar thường có mưa nhiều, thích hợp để trồng các loại ngũ cốc và cây ăn quả như xoài, đu đủ và chuối. Món ăn chính của người Harari là món hầm cay được làm từ thịt, khoai tây và rau, ăn với bánh mì.

Phụ nữ có vị trí quan trọng trong xã hội của người Harari và cũng là lực lượng đóng góp phần lớn vào sự phát triển văn hóa Harari. Mặc dù theo đạo Hồi nhưng phụ nữ Harari không bắt buộc phải đeo mạng che mặt truyền thống. Phụ nữ Harari đóng góp vào thu nhập của gia đình bằng cách buôn bán các sản phẩm nông trại hoặc bán thuốc lá. Ngoài ra, phụ nữ Harari thường đan giỏ và bình để phục vụ trong các nghi lễ và cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, những hoa văn đan trên giỏ và bình được người Harari lưu truyền và giữ gìn, bởi các hoa văn này mang tính biểu tượng truyền đạt các giá trị cộng đồng của bộ tộc Harari.

Điểm đặc biệt trong văn hóa của bộ tộc Harari đó là cho phép linh cẩu vào trong thành phố Harar. Linh cẩu thường được các bộ tộc ở châu Phi coi là loài động vật xấu xí, gắn liền với phù thủy. Tuy nhiên, tại thành phố Harar, linh cẩu được vào các khu phố để ăn các thức ăn thừa trong thành phố. Theo các câu chuyện truyền miệng của người Harari, việc cho linh cẩu vào thành phố Harar bắt nguồn từ nạn đói vào thế kỷ 19.

Thời điểm đó, thức ăn trong tự nhiên thiếu thốn do hạn hán nên linh cẩu đã bắt đầu tấn công gia súc và con người. Một người đàn ông trong bộ tộc Harari đã xoa dịu các con linh cẩu bằng cách cho chúng ăn cháo. Liên quan đến câu chuyện truyền miệng trên, vào đầu năm mới, bộ tộc Harari cũng có nghi lễ nấu cháo và cho linh cẩu ăn. Cách các con linh cẩu ăn cháo vào dịp này mang ý nghĩa tiên tri. Nếu linh cẩu ăn gần hết bát cháo thì được coi là điềm báo một năm sung túc; nếu linh cẩu không ăn hoặc ăn không hết thì người Harari sẽ tập trung tại các nhà thờ để cầu nguyện mong tránh được nạn đói và dịch bệnh.

Thu Minh


top