Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Nghệ An có 47 thành phần dân tộc khác nhau, chiếm 14,76% dân số trong toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu sống tập trung ở các huyện miền núi và trung du như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Hợp. Đây cũng là địa bàn mà tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra phức tạp. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, người dân đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực tại địa phương.

Các em học sinh Trường Dân tộc Nội trú, THCS Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nghe tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Ái Vân

Là trường học với 97% là học sinh dân tộc thiểu số, trước đây tình trạng bỏ học lấy vợ, lấy chồng vẫn thường xuyên xảy ra. Nhưng bằng nhiều hình thức tuyên truyền, lồng ghép với từng tiết học trên lớp, những lời căn dặn của thầy cô tại khu nội trú, nhận thức, quan niệm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của các em học sinh ở đây đã thay đổi.

Hôm nay, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Trung học cơ sở (THCS) Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An và các bạn có tiết học đặc biệt rất thú vị, các em được tìm hiểu nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống qua những bức tranh về chủ đề này. Các em sẽ phải lắp ghép và trình bày ý nghĩa nội dung mà bức tranh muốn chuyển tải.

Em Vi Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 8A chia sẻ, từ những tiết học như thế, em và các bạn vừa nắm được nội dung mà bức tranh muốn chuyển tải, cũng như hiểu được rõ về hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe, nhất là trẻ em gái. Nghe qua thì rất là khó hiểu, nhưng khi được học trên lớp và lắp ghép thực hành cùng các bạn thì em cảm thấy rất dễ hiểu và thú vị.

Thầy giáo Vi Đình Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú, THCS Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho hay, trước đây, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra liên tục ở trong trường học và trên địa bàn huyện. Nhà trường cũng triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền để giảm thiểu, xóa bỏ nạn tảo hôn trong nhà trường, cũng như phối hợp với gia đình, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh hiểu sâu hơn về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Anh Lê Văn Mạnh tuyên truyền đến người dân trong thôn, bản về những hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Ái Vân

Thực hiện Đề án giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động thiết thực. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp, hơn 10 nghìn lượt người được tuyên truyền; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền trực tiếp ở các mô hình điểm như xã Huổi Tụ, Tri Lễ… cấp phát, in ấn đồng bào gần 500 sổ tay, tài liệu; hơn 10 nghìn tờ rơi, treo băng rôn, áp phíc tại trụ sở UBND xã, nhà cộng đồng, nhà văn hóa các thôn bản. Từ các hoạt động tuyên truyền cùng với sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, tình trạng tảo hôn giảm từ 372 cặp năm 2020 giảm xuống còn 309 cặp năm 2021, năm 2022 toàn tỉnh có 137 cặp tảo hôn.

Ông Kim Ngọc Nguyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đến với bà con vùng sâu vùng xa, nhất là lồng ghéo những làm điệu dân ca của đồng bào dân tộc vào trong các buổi tuyên truyền. Trong công tác tuyên truyền, các tuyên truyền viên không chỉ sử dụng ngôn ngữ phổ thông mà còn dùng cả ngôn ngữ dân tộc để bà con dễ hiểu hơn. Có vậy mới nâng cao được nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ông Kim Ngọc Nguyên cho biết thêm: Chúng tôi đã vận động được cặp tảo hôn trước đây trở thành tuyên truyền viên về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Đây là minh chứng cụ thể nhất tuyên truyền hiệu quả nhất trong vấn nạn tảo hôn đó là anh Lê Văn Mạnh ở bản Cắm Pọm, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Nghỉ học sớm, Mạnh cưới vợ, làm cha ở tuổi 16, gánh nặng về kinh tế khi phải gồng gánh cho gia đình nhỏ, bản thân thiếu kỹ năng sống, không có kinh nghiệm chăm sóc gia đình, con cái. Mình khổ, kéo theo gia đình nội, ngoại cùng lo lắng. Hiện nay, con trai của Mạnh đã 19 tuổi, còn Mạnh trở thành tuyên truyền viên bản Cắm Pọm, đi tuyên truyền cho mọi người thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình.

Ngoài việc tuyên truyền, ngăn chặn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thì nhiều địa phương cũng đang giải quyết những hậu quả của việc tảo hôn mang lại như trường hợp của chị Vi Thị Hải ở xã Quang Phong, huyện Quế Phong. Kết hôn từ năm 15 tuổi, năm nay, chị Hải đã 35 tuổi. Ngày chị kết hôn, gia đình chị chỉ mời bà con hàng xóm ăn bữa cơm rồi vợ chồng trẻ về ở với nhau, sinh con, đẻ cái. Vợ chồng chị chẳng tính đến chuyện đi đăng ký kết hôn.

Thời gian gần đây, được cán bộ tư pháp hộ tịch của xã nhiều lần xuống bản tư vấn, vợ chồng chị đã cùng nhau ra UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn sau 20 năm về chung sống với nhau. Chị Hải chia sẻ, được tư vấn của cán bộ hộ tịch, vợ chồng tôi làm thủ tục đăng ký kết hôn vì các con đã lớn, chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3, sau đó, còn đi học nghề nữa. Đến đời con mình, mình không cho chúng nó làm giống mình nữa đây, phải tuân thủ pháp luật thôi.

Ông Lang Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phong, huyện Quế Phong cho hay: Xã có 8 thôn, bản, chúng tôi cũng chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền 8 cuộc/8 thôn bản, tập trung vào già làng, trưởng bản, người uy tín để tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hậu quả, hệ luỵ của tảo hôn ảnh hưởng như thế nào cho dân hiểu, đến nay trên địa bàn hầu như không có xảy ra tình trạng tảo hôn nữa.

Ở những bản vùng cao, vùng sâu nạn tảo hôn diễn ra đã kìm kẹp người dân trong vòng đói nghèo, xảy ra những bi kịch trong hôn nhân. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, xiết chặt thực thi hệ thống luật và chế tài để đủ sức răn đe cho những ai còn vi phạm pháp luật, góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.

Ái Vân


top