Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Tình nguyện viên tôn giáo chống dịch Covid-19 lan tỏa tinh thần phụng sự

Biên phòng - Gần đây, số lượng linh mục, nam nữ tu sĩ công giáo tham gia Ủy ban đoàn kết công giáo ngày càng nhiều lên và hoạt động rất tích cực. Ủy ban đoàn kết công giáo đã có ở 42 tỉnh, thành phố có đông giáo dân sinh sống ở nước ta. Khi dịch Covid-19 uy hiếp các tỉnh phía Nam, rất nhiều nam nữ tu sĩ đã lên đường chống dịch với tinh thần phụng sự cộng đồng, đúng với phương châm của người công giáo: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ đồng bào”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân, tặng đồ dùng thiết yếu cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch. Ảnh: Xuân Khu

Trong bộ đồ bảo hộ dành cho các tình nguyện viên ở các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19, các nữ tu làm việc liên tục nhiều giờ trong tình thế căng thẳng, mệt nhọc. Chính các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 chia sẻ hình ảnh và câu chuyện về họ với lòng biết ơn ở trên mạng xã hội. Trên trang cá nhân, các nữ tu viết lại nhật ký những ngày đáng nhớ khi họ dốc lòng phụng sự cộng đồng, đóng góp sức mình như một hành động lan tỏa tinh thần, niềm tin và hy vọng sống giữa tâm dịch.

Trên áo bảo hộ của các soeur (nữ tu), sau lớp khẩu trang bịt kín và tấm nhựa che mặt luôn là ánh mắt rất hiền hòa và dấu chỉ thánh giá trên vai phải. Nhật kí của soeur Nguyễn Thị Hằng, dòng tu Thừa sai Bác ái Giáo phận Vinh viết đây là khoảng thời gian rất ý nghĩa của tinh thần phụng sự, trải nghiệm về cảm nhận, chạm đến nỗi đau của những bệnh nhân Covid-19.

Trước mắt, các tình nguyện viên như soeur Hằng và các cộng sự là nỗi vất vả, tận tâm của y bác sĩ để cứu bệnh nhân. Vì vậy, để thông qua những công việc phục vụ hằng ngày, các tình nguyện viên muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của các y bác sĩ.

Rosa Hoàng Kim Anh, dòng Đa Minh Rosa Lima trong những ngày làm việc cùng đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh viết: Tuy đến môi trường này để phục vụ, nhưng tôi mới là người được học từ mọi người, bệnh nhân hay bác sĩ, điều dưỡng. Với tôi, đây là những tấm gương của sự kiên trì không mệt mỏi, tinh thần sẵn sàng dấn thân, lạc quan để vượt lên hoàn cảnh. Một người lạ nhắn tin cho tôi rằng chỉ cần nhìn tinh thần và hành động của chúng tôi thôi, đã cảm thấy ấm lòng rồi. Còn công việc thì cùng hợp sức là sẽ tốt thôi. Vâng, trong hoàn cảnh này, mỗi người là một cánh tay, một trái tim để chung sức chung lòng, giúp con người vượt qua đau thương.

Tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh, các tình nguyện viên đã tích cực hỗ trợ bác sĩ, y tá, điều dưỡng phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng từ việc vệ sinh thân thể, vệ sinh phòng bệnh, cắt tóc, chăm lo việc ăn uống, thuốc men, động viên tinh thần… cho bệnh nhân. Hiện diện của họ ở phòng bệnh nhân nặng đã là niềm an ủi lớn về mặt tinh thần cho bệnh nhân, giảm áp lực cho y bác sĩ, điều dưỡng viên trong vai trò giúp việc rất khiêm nhường.

Trước khi vào phục vụ tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, các nữ tu được học sơ qua một số kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe. Đa số trong số họ có kiến thức y khoa sơ đẳng và quan trọng nhất, họ có tinh thần xung phong, nhiệt huyết và tấm lòng bác ái. Trong các nhóm thiện nguyện chia sẻ về phương pháp chống dịch và hỗ trợ trực tuyến kết nối giữa bệnh nhân và tình nguyên viên, các nữ tu đều thể hiện sự tương tác, hỗ trợ cao nhất, xót đau trước các hoàn cảnh mất mát, cảm thông với thiếu thốn của các gia đình, các bệnh nhân và đề cao mục tiêu chống dịch.

Tổ chức lực lượng các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 là hoạt động thiết thực của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua. Tính đến tháng 8-2021, đã có gần 800 chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo, Công giáo và Tin Lành xung phong tham gia lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19. Riêng tháng 8-2021, có 60 tu sĩ Công giáo tình nguyện đợt 2 đã đến phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đợt cam go và căng thẳng nhất từ đầu mùa dịch.

Trong các đợt tuyển mộ tình nguyện viên lên đường chống dịch, các chức sắc tôn giáo đều tổ chức lễ tiễn ấm áp, nghĩa tình. Nhiều tình nguyện viên rất xúc động mặc dù đã chuẩn bị kỹ tinh thần. Họ nhắn nhủ nhau yên tâm phục vụ, hiệp thông cầu nguyện và đồng hành trong ý chí.

Gần đây nhất, ngày 20-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân đợt thứ 4 cho 115 tình nguyện viên là các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn. Ngoài 23 tình nguyện viên Phật giáo tham gia phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 10 có 92 tình nguyện viên là chức sắc, đồng bào Công giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện hồi sức chuyên sâu.

Các tình nguyện viên tôn giáo được tiêm vaccine trước khi vào phục vụ tại các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19. Ảnh: Xuân Khu

Như nhiều lực lượng chống dịch tuyến đầu khác, các tình nguyên viên tôn giáo hiện nay chú ý đặc biệt tới nhóm những bệnh nhân mắc Covid-19 hiện đang điều trị tại nhà. Họ đăng tải các thông báo trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông về kế hoạch hỗ trợ các bệnh nhân này. Không chỉ lo miễn phí thuốc men, oxy, nhu yếu phẩm mà còn sẵn sàng trợ giúp về mặt tinh thần.

“Chúng tôi muốn củng cố điều đang có trong mỗi người, đó là niềm tin và tương lai tươi sáng và sự hỗ trợ của cộng đồng. Con người sinh ra đã có bản năng sinh tồn mạnh mẽ và chúng tôi chỉ khơi gợi lên điều đó cho rõ, cho sáng” - Một nam tu Công giáo viết trên mạng xã hội, trong cộng đồng những người điều trị Covid-19 đang tìm cách hỗ trợ nhau nhiều nhất có thể.

Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, việc các tổ chức tôn giáo huy động mọi nguồn lực, chung tay cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch bệnh không chỉ khẳng định mục tiêu của tinh thần phụng sự, đồng hành cùng dân tộc trong các tôn giáo, mà còn thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Thúy Hằng


top