Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Thiết chế xã hội độc đáo của bộ tộc Borana

Biên phòng - Người Borana (còn có tên gọi là Boran) sống ở miền Nam Ethiopia và miền Bắc Kenya, là bộ tộc nổi tiếng với hệ thống hội nhóm đặc biệt tên là Gada. Theo số liệu ước tính, ở vùng biên giới Ethiopia - Kenya và Tây Nam Somalia có khoảng 1 triệu người Borana.

Phụ nữ Borana trong trang phục truyền thống. Ảnh: FLICKR

Cũng như bộ tộc Gabbra, Sakuye, bộ tộc Borana có nguồn gốc từ bộ tộc gốc Oromo. Bộ tộc Borana là một trong những bộ tộc chăn nuôi du mục di cư vào miền Nam Ethiopia và miền Bắc Kenya trong thế kỷ 16. Người Borana chủ yếu sống cách Thủ đô Nairobi, Kenya khoảng 320km về phía Bắc. Khu vực này có thời tiết mát mẻ hơn so với vùng cao nguyên Kenya và có diện tích 240.000km2 với đất đai phần lớn được tạo thành từ đá trầm tích và núi lửa cổ. Nguồn nước khu vực này chủ yếu từ sông Webi Daua và sông Uaso Nyiro ở biên giới Kenya - Ethiopia. Vào mùa khô, người Borana tận dụng thảm thực vật dọc lưu vực các sông để chăn nuôi. Đến mùa mưa, rừng ven sông có nhiều muỗi, nhặng nên việc chăn nuôi du mục bị ảnh hưởng.

Gia súc người Borana hay chăn nuôi gồm lừa, cừu, dê, lạc đà, bò... Gia súc như cừu, dê và lạc đà được người Borana nuôi để lấy sữa, thịt và da. Gia súc cũng là món hàng giao thương để đổi lấy trà, đường và quần áo. Sự giàu có và địa vị xã hội của một người Borana được xác định bởi số lượng gia súc mà họ sở hữu. Số lượng gia súc trung bình của một gia đình Borana trước đây ít nhất là 300 con. Chế độ ăn uống chủ yếu của người Borana là thịt dê, bò, cừu và sữa, ngô, lúa mì. Để bảo quản thịt không bị hỏng, người Borana thường cắt thịt sống thành dải và treo cho khô hoặc chiên mỡ.

Người Borana sinh sống trong các túp lều dựng từ gỗ và trùm mảnh da lên. Để ngăn túp lều bị sập trong những cơn bão và giông, các cọc đỡ được đặt ở trung tâm và ở phần phía sau của túp lều. Túp lều được ngăn thành hai phần. Phần phía sau của lều là phòng ngủ của đàn ông, phần phía trước có lò sưởi dành cho trẻ em và phụ nữ. Trong quá trình di chuyển du mục, túp lều được tháo dỡ và mọi vật dụng được chất lên lưng lạc đà và lừa. Khi một gia đình đến nơi du mục mới, tất cả phụ nữ Borana trong gia đình sẽ đảm nhiệm việc dựng lều. Phụ nữ Borana còn phụ trách việc lấy nước, than củi và chăm sóc trẻ em. Đàn ông Borana phụ trách đào giếng, xây dựng, sửa chữa chuồng gia súc và bảo vệ gia đình khỏi các mối nguy từ động vật hoang dã. Nam thanh niên Borana từ nhỏ đã được học cách đào giếng, chăm sóc gia súc, còn nữ thanh niên Borana được mẹ hướng dẫn cách vắt sữa bò và nấu nướng.

Cấu trúc xã hội của người Borana được chia làm hai nhóm thân tộc là Sabbo và Gona. Theo luật lệ của bộ tộc Borana, đàn ông trong nhóm Sabbo chỉ được kết hôn với phụ nữ trong nhóm Gona và ngược lại, phụ nữ Sabbo cũng chỉ được kết hôn với đàn ông trong nhóm Gona. Mỗi nhóm thân tộc đều có một thủ lĩnh riêng có tên gọi là Aba Gada phụ trách tổ chức các nghi lễ trong năm. Đàn ông Borana còn có một hội riêng tên là Gada. Những bé trai vừa sinh ra đã được gia nhập hội và được nuôi tóc dài tết cùng vỏ sò. Các quy tắc, tiêu chuẩn trong xã hội của người Borana đều được quy định trong hội Gada. Tất cả các tranh chấp xảy ra trong cộng đồng người Borana sẽ được đưa ra phân xử tại hội Gada. Những người đàn ông trong hội Gada có hoàn cảnh khó khăn như mất gia súc hoặc bị bệnh tật sẽ được các thành viên khác giúp đỡ.

Trước đây, hội Gada có thể coi là hệ thống phân xử dân chủ nhất tại châu Phi. Sự gắn kết trong cộng đồng của người Borana còn được thể hiện qua cái giếng. Do giếng được đắp từ đất bùn nên liên tục phải được bồi lại. Nếu một người trong cộng đồng Borana không tham gia vào việc xây dựng giếng, thì họ phải tặng một con bò cho những người khác, nếu không sẽ không được phép sử dụng giếng nước chung.

Thu Minh


top