Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Than Uyên thay đổi tư duy, thực hiện nếp sống văn hóa mới

Biên phòng - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những hủ tục gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Để đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cần sớm thay đổi tư duy, nhận thức.

Chị Hoàng Thị Vân Quỳnh, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Than Uyên tuyên truyền tác hại của tảo hôn đến với người dân. Ảnh: CTV

Huyện Than Uyên là cửa ngõ của tỉnh biên giới Lai Châu, nơi có 12 xã, thị trấn, 131 bản, khu dân cư với 14.000 hộ dân, 10 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời. Trong đó, có đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Dao…

Do địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc chủ yếu ở những nơi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bản Huổi Hằm ở xã Mường Cang - nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống là một ví dụ điển hình.

Chị Cứ Thị Dụ (bản Huổi Hằm, xã Mường Cang, huyện Than Uyên) chia sẻ: “Tôi lấy chồng từ năm 16 tuổi. Năm nay, tôi có 2 đứa con. Một đứa được 4 tuổi, một đứa được 2 tháng tuổi. Lúc tuổi còn nhỏ do thiếu hiểu biết nên tôi lấy chồng sớm. Đẻ con xong, gia đình tôi rất khó khăn”.

Những năm trước, đời sống người dân bản Huổi Hằm rất khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, sản xuất canh tác, sinh hoạt, văn hóa theo tập quán lạc hậu, nhất là việc tổ chức đám cưới thì thách cưới cao; đám ma nhiều ngày, khi có người chết mổ nhiều trâu gây tốn kém. Vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh nhiều con khá phổ biến; còn tiềm ẩn phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng để kích động, lôi kéo gây mất đoàn kết nội bộ. Thậm chí, dù được tuyên truyền vận động không sinh nhiều con để nuôi dạy con cho tối, nhưng nhiều hộ trong bản vẫn bỏ mặc ngoài tai những lời vận động của cán bộ xã, trưởng bản, tiếp tục sinh con, bởi họ cho rằng: “Sinh nhiều để chúng còn có anh em”. Điển hình như gia đình chị Giàng Thị Sá, anh Lò A Cu, dù hai vợ chồng mới ngoài 35 tuổi, nhưng đã có tới 7 người con, con lớn 20 tuổi, con út mới 3 tuổi.

Buổi truyền thông, giáo dục pháp luật cho người dân tại bản Cáp Na 2, xã Tà Hừa thu hút gần 200 lượt người tham gia. Ảnh: CTV

Do đó, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 6/4/2022 của Tỉnh ủy Lai Châu về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2001-2025, huyện Than Uyên đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chỉ đạo Phòng Dân tộc chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, UBND các xã tổ chức tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại, hệ lụy của tảo hôn đến với người dân.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Than Uyên, bà Hoàng Thị Vân Quỳnh cho biết: “Những năm qua, cơ quan chuyên môn đã kết hợp cùng Trung tâm Dân số, Trung tâm Y tế, Phòng Tư pháp tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn đến các thôn, bản trên địa bàn huyện Than Uyên có tỷ lệ tảo hôn cao. Hơn nữa, chúng tôi cũng quan tâm, chỉ đạo 5 xã có tình trạng tảo hôn và thành lập các mô hình nhằm giảm thiểu tảo hôn và nâng cao nhận thức sức khỏe vị thành niên”. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên cử cán bộ xuống bản nắm bắt tình hình những gia đình đang có ý định tảo hôn để tuyên truyền, vận động gia đình không cho con tảo hôn. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc. Đến nay, người dân tại huyện Than Uyên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, từng bước xóa bỏ hủ tục, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Than Uyên vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới. Ảnh: CTV

Chúng tôi đến bản Huổi Hằm khi bà con đang cùng nhau vệ sinh đường ngõ bản, phát quang bụi rậm, khơi thông rãnh nước. Đây là việc làm thường xuyên hằng tuần, đồng thời bà con được nghe Bí thư Chi bộ bản tuyên truyền về nội dung, mục đích việc thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Ông Vàng A Sở, Bí thư Chi bộ bản Huổi Hằm, xã Mường Cang cho biết: “Trước đây, trong đồng bào dân tộc Mông tồn tại tình trạng bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống rất nhiều. Việc thay đổi nhận thức trong tư tưởng của một bộ phận người dân không phải một sớm một chiều. Trong khi đó, kinh tế đa phần khó khăn, bà con thuộc diện hộ nghèo cao. Có hộ vẫn bị tư tưởng của các thế hệ trước chi phối và tác động của văn hóa ngoại lai qua thông tin mạng internet ảnh hưởng đến tầng lớp thanh niên. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông, không chỉ thay đổi cuộc sống, nhận thức của người dân nơi đây, mà những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mông cũng được gìn giữ, phát huy”.

Qua việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông tại bản Huổi Hằm, bà con từng bước nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa, năng động trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thúy Hạnh


top