Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Phụ nữ Cao Bằng chung tay đẩy lùi tảo hôn

Biên phòng - Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra ở một số dân tộc thiểu số vùng cao kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe của phụ nữ, trẻ em, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, kinh tế đói nghèo, lạc hậu. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tảo hôn hôn nhân cận huyết thống cho chị em phụ nữ. Các mô hình Câu lạc bộ phụ nữ được thành lập, góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Những người tảo hôn không được chuẩn bị về sức khỏe, kinh tế, nên cuộc sống đói nghèo, thất học sẽ theo họ suốt cuộc đời. Ảnh: Ái Vân

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà tảo hôn còn để lại những hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Cao Bằng đã tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã, thôn bản có tỷ lệ và có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Một số địa phương đưa quy định phòng, chống tảo hôn vào xây dựng quy ước, hương ước, bình xét gia đình văn hoá. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết huyết thống vẫn xảy ra.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, Cao Bằng có 186 cặp tảo hôn, 7 cặp kết hôn cận huyết thống; năm 2021 có 258 cặp tảo hôn, 2 cặp hôn nhân cận huyết thống; năm 2022 toàn tỉnh có 100 cặp tảo hôn và từ đầu năm đến nay có 69 cặp tảo hôn. Để giảm thiểu thực trạng này, thực hiện Dự án 8, thực hiện Bình đẳng giới và Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã có nhiều hoạt động trong việc chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chị Hoàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Trung, huyện Hòa An chia sẻ: Xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là địa bàn sinh sống của đồng bào Tày, Nùng, Mông, cách trung tâm thành phố Cao Bằng chỉ hơn 10km nhưng những hủ tục lạc hậu của người dân vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Mông, và tảo hôn cũng là những hủ tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của đồng bào nơi đây. Qua tuyên truyền, vận động, tình trạng tảo hôn có giảm nhưng ít. Nguyên nhân do nhận thức của bà con dân tộc Mông còn có những rào cản về phong tục, tập quán nên con cái học xong lớp 8, lớp 9 muốn lập gia đình là họ đồng ý cho nghỉ học ở nhà để lấy vợ, lấy chồng. Nên những người tảo hôn không được chuẩn bị về tâm sinh lý sức khỏe, kinh tế do vậy, cuộc sống đói nghèo, thất học theo họ suốt cuộc đời. Một số hộ dân nhận thức được tảo hôn là sai trái, là vi phạm, tuy nhiên khi cán bộ truyền thông đến nhà để tuyên truyền, vận động thì các bậc phụ huynh lại lánh mặt đi không gặp cán bộ nữa.

Chị Sùng Thị Lý, người Mông ở xóm Pán Kèng, xã Quang Trung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho hay, ngày xưa bố mẹ hay cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm, 14, 15 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng không nghĩ là chờ con cái đủ tuổi, biết suy nghĩ biết kiếm tiền nuôi con mới cho lấy vợ, lấy chồng. Thấy được sự vất vả của những người lấy chồng, lấy vợ sớm, thế hệ trẻ chúng tôi cũng tuyên truyền cho chị em phụ nữ, các gia đình có con độ tuổi thành niên, và nhắc nhau, quan tâm đến con nhiều hơn, nếu con có biểu hiện yêu đương, tán tỉnh qua điện thoại thì phải can thiệp ngay. Định hướng cho con đủ tuổi mới được lấy vợ, lấy chồng.

Chị Dương Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tổng Dùn, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm chia sẻ, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, trình độ dân trí thấp, kinh tế chưa phát triển. Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, Chi hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động như: Thành lập Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, không tảo hôn và các tệ nạn xã hội khác được các hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng. Do vậy, nếp sống văn minh ở địa phương tôi từng bước được nâng lên.

Chị Hoàng Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Trung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng vận động các con đi học đầy đủ để mai sau có tương lai tươi sáng hơn. Ảnh: Ái Vân

Bà Lục Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng cho biết, cùng với các cấp, các ngành chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhất là các địa bàn tập trung nhiều người Mông sinh sống. Tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn hoặc di chứng do hôn nhân cận huyết thống mang lại. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc vận động như: Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, gia đình không bạo lực, gia đình không có trẻ em bỏ học… để đưa vào bình xét thi đua cuối năm.

Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ đã kết hợp với, Đoàn thanh niên, trưởng thôn, người uy tín ở các thôn, bản để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phấn đấu đến năm 2025, Cao Bằng sẽ giảm thiểu, xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Vấn nạn tảo hôn ở trẻ vị thành niên trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang có diễn biến phức tạp khi hiện nay giới trẻ ở địa phương đang sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận mạng xã hội ngày càng nhiều. Để giảm thiểu nạn tảo hôn ngay trong thời gian ngắn là điều không thể làm được. Tuy nhiên, các cấp hội phụ nữ tỉnh Cao bằng đã và đang quyết liệt vào cuộc triển khai với quyết tâm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ái Vân


top