Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Phát triển kinh tế để xóa bỏ các hủ tục trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2023-2027, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương chỉ có 2 người uy tín. Miền quê này nằm giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng, những ngôi nhà kiên cố, sáng rực mọc lên giữa thôn Suối Chá là chìa khóa của việc kinh tế phát triển,  đẩy lùi các hủ tục trong đó có tảo hôn.

Nếu không có những bàn thờ cúng ngoài trời của người dân tộc H'rê thì khó đoán ra những ngôi nhà khang trang này đang nằm ở vùng cao. Ảnh: Văn Chương

Có đường, có “ánh sáng”

Thôn Trũng Kè hiện ra vào buổi sáng với âm thanh chan chát của những ngôi nhà đang xây dựng. Vài năm trước, những ngôi nhà được xây dựng mới ở đầu làng như nhà bà Tiết, chị Kiều đã được xem là nhà kiên cố, sự đổi mới của bà con trong làng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những ngôi nhà mới mọc lên, được thiết kế theo kiểu nhà vườn, nhà biệt thự ở dưới đồng bằng. Nếu không nhìn thấy những bàn thờ bằng tre của dân tộc H’re đặt trước sân, nhiều người sẽ ngỡ tưởng đang đứng ở miền xuôi.

Ngôi nhà đầu làng là gia đình bà Phạm Thị Tiết, sinh năm (SN) 1960, người dân tộc H’re. Ngôi nhà của bà đã ngả màu rêu cũ, giống như cuộc đời của bà đã ở tuổi xế chiều. Nhưng nếu so với cuộc sống của người vùng cao, ngôi nhà của bà cũng khá tươm tất và rộng rãi. Bà cho biết, có 3 người con, người con đầu là Phạm Văn Quý, SN 1980, người con thứ 2 là Phạm Văn Bình, SN 1986 và người con thứ 3 là Phạm Thị Trâm, SN 1994.

Ở địa phương cách đó khoảng 30km, thuộc huyện Ba Tơ, hoặc vùng biên viễn của tỉnh Quảng Nam, thế hệ SN 1960 như bà Tiết thì phần lớn là lấy chồng ở tuổi 15-16. Một số nơi có phong tục “hứa gả, đặt cọc”. Tôi có con gái, anh có con trai, mình uống hết chén rượu này và giữ lời hứa, 15-16 năm nữa sẽ kết tình sui gia 2 bên. Lời hứa đó giống như định mệnh ràng buộc các cặp đôi và họ thường đến với nhau, “vì bố, mẹ đã hứa”, nếu không giữ lời hứa thì sẽ bị phạt chiêng, ché, trâu, rượu…

Bà Phạm Thị Tiết trên đường cõng cũi. Ảnh: Văn Chương

Cuộc đời của bà Tiết, năm 19 tuổi mới kết hôn và 20 tuổi sinh người con đầu lòng, đến năm 34 tuổi bà mới sinh người con út. Bà chỉ sinh 3 người con, vì cuộc sống, mưu sinh bên cạnh chân núi, nhiều chục năm trước, việc phát triển kinh tế còn là điều khó khăn, nêu sinh ít con thì đỡ lo đói nghèo.

Xã Hành Tín Tây cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 25 km. Con đường từ trung tâm xã ra trục đường chính đã được bê tông hóa, vì vậy khoảng cách trên ngày càng gần lại. Trong các năm 2022- 2023, tỉnh Quảng Ngãi được phân bổ hơn 1.070 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bám theo…đồng bằng

Ngay đầu thôn Hóc Kè, một cậu thanh niên trẻ vừa đi làm về nhà, khi nghe tôi hỏi về cuộc sống gia đình, cậu cho biết, thanh niên mới 19 tuổi thì chưa nghĩ tới việc cưới vợ, dù là người đồng bào H’re, nhưng đa phần mọi người đã tiếp thu nội dung được địa phương tuyên truyền, cứ 20 tuổi trở lên thì mới lập gia đình.

Một số thanh niên khác trong thôn chỉ về những ngôi nhà được xây dựng rất đẹp, trị giá khoảng 600-700 triệu đồng và cho biết, trong làng này có nhiều người giàu lên, sắp trở thành đại gia, có cả xe ô tô tải, vì vậy mình phải theo đời sống mới, có đủ điều kiện kinh tế thì mới lập gia đình được và không sinh nhiều con.

Ở một số địa phương miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi hộ đồng bào dân tộc Pa Kô trồng rất nhiều hecta keo lai, nhưng đời sống vẫn đắp đủ qua ngày. Còn tại thôn Hóc Kè, cứ nhìn vào những ngôi nhà to lớn, kiểu cách, lát gạch men từ trong ra ngoài, màu sơn tường trang nhã… là thấy được sự đổi thay rất to lớn.

Ở cuối thôn, nhà anh Phạm Sy được xây dựng theo kiểu nhà chồng mái, ngôi nhà được lắp cửa gỗ được chạm trổ hoa văn, không thô mộc theo kiểu nhà sàn trước đây. Trên nóc nhà, mái hiên đều được gắn đường viền, lợp ngói xi măng trên sàn bê tông.

Chị Phạm Thị Kiều, SN 1978, mới cuối buổi sáng đã nhàn nhã ngồi phơi nong cau khô. Khi hỏi về công việc và tôi ngạc nhiên khi nghe chị trả lời “thu nhập 100 ngàn đồng/ngày”. Thì ra, bà con người dân tộc H’rê ở vùng quê này có việc làm tương đối đều đặn.

Chị Phạm Thị Kiều khoe con gái đủ 18 tuổi trở lên mới lập gia đình. Ảnh: Văn Chương

Trước đây, mỗi ngày đi làm nghề vác keo, đốn keo lai trên sườn đồi, mỗi người sẽ được trả tiền công khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng đến hiện nay, bà con đi lao động theo nhóm, nhận khoán sản phẩm, làm nhanh, nghỉ sớm, nếu đạt số lượng cao thì kiếm được nhiều tiền, mọi người không còn ép mình phải làm kiệt sức để có thu nhập 200 ngàn đồng/ngày như trước đây.

Có thu nhập hàng ngày từ nghề đi chặt, vác keo thuê, người già thì làm nghề chặt ngọn keo bó thành củi để bán xuống miền xuôi, cộng với nguồn thu nhập dài hạn (3-4-5 năm/lần) từ những rừng keo lai trồng trên núi, người đồng bào dân tộc H’re nơi đây có cuộc sống đổi thay từng ngày. Khi kinh tế phát triển, con em có điều kiện đi học, giao lưu rộng hơn về phía miền xuôi, cái khó đi qua, tảo hôn cũng dần dần biến mất.

Lê Văn Chương


top