Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nuôi bò sữa để xóa nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Biên phòng - Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Sóc Trăng luôn quan tâm đến vấn đề phát triển sinh kế cho người dân. Nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực thu hút nhiều dự án, triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Trong đó, chăn nuôi bò sữa là một trong những mô hình giảm nghèo thành công ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ nuôi bò sữa mà nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống.

Ông Sơn Hang đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Hồng Diễm

Theo chia sẻ của ông Sơn Hang, ở ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn, huyện Mỹ xuyên, tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2009, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao do không có kỹ thuật chăn nuôi, chủ yếu dựa vào tập quán cũ nên bò thường xuyên mắc bệnh, thiếu chất dinh dưỡng, cho năng suất và chất lượng sữa rất thấp.

Đến năm 2015, ông bắt đầu tham gia vào Dự án nuôi bò sữa của tỉnh Sóc Trăng. Tham gia Dự án, các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ nhiều chính sách về vốn, con giống, kỹ thuật, đầu ra,…. Từ đó, giúp ông yên tâm, mạnh dạn đầu tư và phát triển đàn bò. Ông Hang chia sẻ: “Sau khi tham gia vào Dự án, tôi được tập huấn các kỹ năng chăn nuôi, nhờ thế, khi áp dụng vào thực tế, đàn bò của gia đình phát triển nhanh và cho năng suất sữa cao hẳn lên”.

Tuy nhiên, khi số lượng bò tăng lên, lại phát sinh các vấn đề về thức ăn và môi trường. Để giải quyết vấn đề này, ông Hang đã mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ. Nhờ được Dự án hỗ trợ giống cỏ, bắp, túi ủ để thực hiện ủ chua, dự trữ thức ăn có dinh dưỡng cao, giúp bò cho chất lượng sữa rất tốt. Rồi ông vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, xây hầm biogas, giúp đàn bò tránh được các bệnh thường gặp trong chăn nuôi.

Thêm vào đó, để tăng hiệu quả kinh tế, ông Hang đầu tư trang bị thêm máy móc, thiết bị phục vụ chăn nuôi, như máy băm cỏ, máy vắt sữa, quạt làm mát chuồng bò. Không những vậy, ông loại bỏ những con bò cho sữa năng suất thấp, tập trung chăm sóc cho những con sức khỏe tốt, chất lượng để đảm bảo tỷ lệ sữa ở mức độ cao mỗi ngày.

Từ 3 con bò lúc mới tham gia Dự án, đến nay, ông đã có 18 con bò sữa trong tay. Trong đó, 6 con đang vắt sữa với khoảng 100kg sữa mỗi ngày. Với giá bán cho nhà máy Vinamilk từ 14.000-14.500 đồng/kg, mỗi tuần, trừ chi phí xong, ông thu về lợi nhuận trên 6 triệu đồng. Còn lại là 12 con bò hậu bị và bê cái. Nhờ chăn nuôi bò sữa, gia đình ông Hang đã có cuộc sống ấm no, dư của ăn của để.

Cũng như gia đình ông Hang, nhiều gia đình khác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã vươn lên làm giàu với nghề chăn nuôi bò sữa. Xác định, đây là mô hình giúp giảm nghèo hiệu quả, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến cuối năm 2021, tổng đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng phát triển lên hơn 10.000 con. Đàn bò sữa được nuôi tập trung tại 5 huyện, thành phố gồm Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, TP Sóc Trăng. Sản lượng sữa đạt 12.530 tấn/năm. Đến thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng cũng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến, cung cấp cho toàn quốc. Đây chính là động lực để tỉnh này phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm tới.

Bên cạnh việc phát triển đàn bò, việc đảm bảo nguồn thức ăn cũng là một trong những yếu tố quan trọng để chăn nuôi bò sữa bền vững. Do đó, tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng diện tích đồng cỏ 1.000 ha để người dân tăng được thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa. Mô hình cũng giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển dự án nuôi bò sữa để nâng cao kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, triển khai các chính sách phù hợp đối với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, hợp tác xã…Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm triển khai các chính sách cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn nhưng có tư liệu, điều kiện sản xuất và nguyện vọng sản xuất. Chính sách này phù hợp cho các đối tượng tại vùng đồng bào dân tộc của tỉnh, phù hợp với chủ trương xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm kinh tế ngay tại địa phương”.

Hồng Diễm


top