Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nữ “thủ lĩnh” của người Brâu

Biên phòng - Ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chị Đinh Thị Khiêm (dân tộc Mường) được người dân ngợi khen là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn gương mẫu, là người đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đời sống của bà con Brâu, là tấm gương làm kinh tế giỏi để bà con học tập, làm theo.

Chị Đinh Thị Khiêm (bên trái) luôn gần gũi, giúp đỡ người dân trong đời sống hằng ngày. Ảnh: Thanh Tùng

Trước khi được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Mế, chị Đinh Thị Khiêm từng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Dù ở cương vị nào, chị Khiêm vẫn không phụ lòng tin của người dân và các cấp chính quyền địa phương, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Thôn Đăk Mế có hơn 270 hộ, trong đó có hơn 170 hộ là đồng bào dân tộc Brâu. Chị Y Khiêm nhớ lại, ngày còn làm Chi hội trưởng phụ nữ, để dễ dàng vận động người dân, chị Khiêm đã gần gũi, sâu sát tạo thiện cảm với bà con. Hễ gia đình nào trong làng có việc cần giúp, chị Khiêm đến tận nhà tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, hay những gia đình có người đau ốm, qua đời, chị trực tiếp đến chia buồn, thăm hỏi.

Với chị em phụ nữ trong thôn, chị Khiêm luôn thân thiện, hỗ trợ mọi người khi gặp khó khăn, nhất là trong việc chăm sóc con cái, làm thủ tục giấy tờ gia đình… nhờ vậy, tình cảm giữa chị và dân làng ngày càng gắn bó. Khi có được niềm tin của dân làng, chị Khiêm thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đầu tiên, chị Khiêm vận động bà con đẩy lùi các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, bởi chị biết, đó là nguyên nhân khiến cái nghèo cứ mãi đeo bám bà con.

Chị Khiêm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Thanh Tùng

Chị Đinh Thị Khiêm tâm sự: Xóa bỏ hủ tục trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những việc mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Chính vì thế, tôi muốn vận động bà con bỏ dần các tục như: Cúng khấn thần linh khi đau ốm, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn; bỏ các phong tục không còn phù hợp như: Ma chay, cưới hỏi dài ngày, thả rông gia súc, sinh đẻ tại nhà, nợ miệng.

Chị biết rằng, những hủ tục đã ăn sâu và đời sống bà con nên muốn đẩy lùi phải cần nhiều thời gian. Mỗi khi trong làng tổ chức ma chay, cưới hỏi, chị Khiêm đều đến góp ý, khuyên bảo, phân tích nhược điểm khi tổ chức dài ngày và những lợi ích khi tổ chức ngắn ngày để bà con hiểu và nắm được.

Đối với tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chị Khiêm phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chính quyền địa phương thường xuyên đến những gia đình có con học cấp 2, cấp 3 để tuyên truyền, vận động các cháu tập trung học hành, can thiệp kịp thời khi phát hiện các cháu có ý định kết hôn sớm. Cùng với đó, chị Khiêm còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong thôn, vận động những phụ nữ mang bầu giai đoạn cuối không được ngủ ở nhà đầm, sinh đẻ phải có sự can thiệp của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn cho sản phụ và đứa bé.

Cùng với việc giúp bà con xóa bỏ hủ tục, chị Khiêm còn giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế. Chị Khiêm cho biết, Nhà nước quan tâm đến đời sống của người Brâu, có nhiều chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… cho người dân phát triển kinh tế. Để việc thực hiện có hiệu quả, chị cùng chính quyền địa phương trực tiếp hướng dẫn bà con các kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi. Đến nay, người dân ở thôn Đăk Mế đã phát triển được hơn 170ha cây lâu năm và các loại cây ăn quả, trong đó riêng người Brâu đã phát triển được hơn 75ha cây lâu năm (cà phê, cao su, bời lời...).

Kon Tum có hơn 54% dân số là đồng bào DTTS, đa phần đồng bào sinh sống tập trung tại các vùng khó khăn của tỉnh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra trong một số buôn làng. Nhiều năm qua, các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn trên. Để tiếp tục triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum đề ra nhiều giải pháp thiết thực, linh hoạt nhằm phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thy Thảo


top