Nốt trầm Pu Hao
- Phóng sự - Ký sự
- |
- Thứ tư, 16/11/2022 10:31 GMT+7
Biên phòng - “Con gái ở đây 15 tuổi mà chưa lấy chồng là coi như bị ế rồi, không người con trai nào tới tìm hiểu nữa. Chính vì quan niệm cổ hủ ấy mà nhiều trẻ em gái bỏ học đi lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn” - anh Sồng A Dia, Trưởng bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói với chúng tôi trong tiếng thở dài. Hệ lụy của tình trạng đó là nhiều trẻ em cả gái và trai bỏ học sớm, không có cơ hội phát triển bản thân và tạo nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bài 1: Lấy chồng từ thủa thiếu niên
“Ở trường con, năm trước có chị Sậm Thị Mỷ, đang học lớp 9 thì bỏ học đi lấy chồng. Thỉnh thoảng lại có bạn bỏ học như thế, khi con gặp lại, có chị đã có con rồi”. Câu chuyện của cô bé Sồng Thị Dợ, dân tộc Mông, sinh năm 2008 khiến lòng tôi chùng xuống.

Theo chồng bỏ dở việc học
Theo câu chuyện của Dợ, chúng tôi tới bản Pu Hao, nơi có 100% người dân tộc Mông sinh sống. Ngay đầu bản, chúng tôi gặp Thào Thị Si, người mẹ 2 con có khuôn mặt trẻ măng với vóc người nhỏ xíu. Hỏi chuyện với biết, Si năm nay 19 tuổi. Cô lấy chồng từ khi 16 tuổi. Sau 3 năm kết hôn, Si đã có hai con, một bé 2 tuổi và một bé 9 tháng tuổi.
Thế nhưng, Si chưa phải là người trẻ tuổi nhất có chồng ở bản Pu Hao bởi cô gái Hạng Thị Chư, sinh năm 2006 còn lấy chồng từ khi bước sang tuổi 15 (năm 2020). Và những trường hợp tảo hôn như Chư và Si không phải là quá hiếm ở bản vùng cao Pu Hao.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sộng Chống Dê buồn rầu khi nhắc về cô con gái Sộng Song Mỷ mới lấy chồng năm 2022, khi đang học lớp 9. “Vợ chồng tôi nhiều lần khuyên con chịu khó học hành, không được lấy chồng sớm. Nó nghe vợ chồng tôi nói chỉ im lặng, không phản ứng gì. Bỗng một hôm nó bỏ nhà, đi theo thằng Vừ A Tong ở bản Huổi Ái. Hai đứa nó quen nhau từ hồi học trong trường. Vợ chồng tôi biết chuyện, khuyên can nhưng nó vẫn nhất định sống chung với thằng Tong. Vì không đủ tuổi nên chúng nó không được chính quyền làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vợ chồng tôi rất lo. Cuộc sống của hai đứa không biết rồi sau này sẽ ra sao, hạnh phúc tương lai không biết thế nào. Về kinh tế, chúng tôi cũng không hỗ trợ được gì vì cuộc sống của chúng tôi cũng khó khăn” - ông Dê kể chuyện trong nỗi day dứt.
Một trường hợp tảo hôn khác mà chúng tôi gặp ở bản Pu Hao là chị Sùng Pạ Dai, năm nay đã 24 tuổi. Chị Dai lấy chồng từ năm 2014, khi đó chị mới 16 tuổi. Hiện giờ chị đã là mẹ của hai con. Mãi đến năm 2017, khi sinh con đầu lòng, vợ chồng chị Dai mới đi đăng ký kết hôn. Người mẹ trẻ này kể rằng, không hiểu sao đẻ con ra, nó cứ ốm yếu.
“Hồi được hơn 1 tuổi, mặt con bé cứ trắng bệch ra. Bác sĩ bảo cháu bị bệnh về máu. Vợ chồng tôi phải bán hết thóc lúa, vay mượn thêm tiền mang con đi xuống bệnh viện dưới Hà Nội chữa gần 6 tháng. Mỗi ngày, hai vợ chồng chỉ dám mua một suất cơm để ăn vậy mà tốn kém gần 100 triệu đồng”.

Kể về bản thân, chị Dai bảo rằng, việc lấy chồng sớm khiến chị phải lo toan nhiều việc hơn, thậm chí có những việc chị không biết phải lo như thế nào, giải quyết ra sao, nhưng nếu đến tuổi mà không lấy chồng thì lại sợ mọi người trong bản cười chê.
Nỗi buồn của ông trưởng bản
Đề cập đến vấn nạn tảo hôn, anh Sồng A Dia, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Pu Hao cho biết, cả bản có hơn 800 người, bình quân, mỗi năm có tới 10 cặp tảo hôn. Các ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương đều ra sức vận động người dân không cho con, cháu kết hôn sớm, tuyên truyền cho bọn trẻ chăm chỉ đi học, không tảo hôn nhưng kết quả không được như mong đợi. Nguyên nhân là do mặt bằng dân trí nói chung còn thấp, trong khi đó trong cộng đồng còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu.
“Nhận thức của bà con còn hạn chế, do đó, mọi người không hiểu về những tác hại và hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết nên vẫn cứ để mặc cho con, cháu lấy nhau khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định. Cũng có nhiều trường hợp gia đình ngăn cản, nhưng bọn trẻ yêu nhau, vẫn cứ nhất quyết về ở với nhau” - anh Dia kể.
Nói rồi, anh Dia dẫn chứng: Năm nay, ngay trong xã xảy ra trường hợp tảo hôn khi mới 16 tuổi. Đó là Giàng A Li (sinh năm 2006), con ông Giàng Chư Tòng ở cụm Huổi Ki. Mặc dù bố mẹ không đồng ý nhưng A Li nhất định lấy cô người yêu 17 tuổi làm vợ. Trong khi đó, gia đình ông Tòng là hộ cận nghèo, đang ở trong ngôi nhà nhỏ, dột nát. Gia đình rất ít đất canh tác, hằng năm đều rơi vào cảnh thiếu lương thực mùa giáp hạt. Việc con trai tảo hôn càng khiến gia đình ông thêm khó khăn.

Tôi đã chứng kiến nhiều cháu học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm. Vì còn quá trẻ, đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nên chúng không biết làm gì, tất cả đều phụ thuộc vào bố mẹ. Hơn nữa, các cặp vợ chồng trẻ thường không có kiến thức chăm sóc con cái. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở các cặp vợ chồng tảo hôn thường cao hơn các gia đình khác. Hơn nữa, ngay cả việc tính toán làm nương, làm rẫy cũng không thạo, bởi thế mà gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình.
Anh Dia cho biết thêm, từ ngày triển khai đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn trên địa bàn có giảm nhưng không đáng kể. Bên cạnh các chương trình, đề án của Nhà nước, bà con trong bản đã xây dựng quy định, gia đình nào có con tảo hôn, bỏ học giữa chừng sẽ bị cắt hết các chế độ hỗ trợ. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung lại hương ước, quy ước của bản, trong đó sẽ cho thêm quy định không vi phạm pháp luật, không cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm... Tôi hy vọng bà con sẽ chấp hành để giảm bớt, tiến tới không còn tình trạng tảo hôn nữa.
Bài 2: Mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn “tảo hôn-thất học-đói nghèo”
Bích Nguyên