Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nối dài âm sắc muôn màu văn hóa dân tộc

Biên phòng - Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021 đã khép lại, nhưng dư vị âm sắc muôn màu của nhiều dân tộc tụ hợp lại vẫn còn ngân nga mãi. Năm nay, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn thêm một sứ mệnh góp phần tái vận hành lại đời sống du lịch sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát tốt đúng thời điểm đầu kỳ du lịch mùa Hè.

Cây đàn tính tẩu đặc sắc của đồng bào Tày trình diễn tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thụy Văn

Sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) bừng sức sống trở lại, rực rỡ các sắc màu văn hóa chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4). Cũng với những hoạt động quen thuộc tại Làng như trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày nhạc cụ, nghệ nhân biểu diễn ca vũ, tái hiện lễ hội tín ngưỡng, nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc..., nhưng năm nay, mọi hoạt động trở nên thực chất, tự nhiên hơn, gần gũi với công chúng hơn. Đặc biệt, đây là thời điểm Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổng kết 5 năm thực hiện chủ chương phối hợp với các địa phương để đưa các nghệ nhân, chủ thể văn hóa là người dân tộc thiểu số về sinh sống tại Làng.

Hiện đang có 15 nhóm đồng bào sinh sống tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. 5 năm qua, đã từng có thời điểm, nhiều nhóm cộng đồng tham gia lâu dài trong hoạt động hàng ngày tại làng như nhóm người Chăm (Ninh Thuận), nhóm người Jarai (Gia Lai)... Với phương châm “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, hoạt động của đồng bào sinh sống tại Làng đã mang lại sức sống, màu sắc và nét riêng có cho không gian hoạt động văn hóa, du lịch và được sự đón nhận của cộng đồng. Đồng bào hội tụ về Làng đã lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng địa phương thông qua hoạt động tại mỗi nếp nhà, không gian văn hóa được tái hiện. “Ngôi nhà chung” – tên thường gọi cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được phát triển theo đúng ý nghĩa, định hướng và mục tiêu bảo tồn đa dạng văn hóa của đất nước ta.

Năm 2021, một vấn đề được đặt ra gợi cho những người làm văn hóa nhiều định hướng mới, trong đó có suy nghĩ về tạo sinh kế cho đồng bào sinh sống tại Làng, có thể cấp đất, cấp nhà cho các cặp vợ chồng dân tộc thiểu số sinh sống tại Làng hay không? Đó có thể là hướng đi bền vững nhưng không dễ dàng.

Hoạt động thường xuyên của đồng bào dân tộc thiểu số tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh của các địa phương. Mỗi năm một lần, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng là ngày hoạt động cao điểm của Làng, nơi quần tụ các sắc màu văn hóa. Năm nay, có 30 loại nhạc cụ dân tộc truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam đặc sắc được triển lãm, và trình diễn. Không chỉ giới thiệu, quảng bá kho tàng nhạc cụ truyền thống phong phú của các dân tộc, một lần nữa, thanh âm của đời sống dân tộc lại được vang lên thông qua các nhạc cụ tuyệt vời mang hồn núi, hồn sông, hồn người, mà đơn giản âm nhạc phát ra chỉ từ những ống tre nứa, đá, dây tơ, gỗ... mộc mạc. Ngoài Viện Âm nhạc Việt Nam tham gia tổ chức không gian âm nhạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cũng giới thiệu chiếu chèo thành Nam lan tỏa cốt cách của người quê, đất quê. Cái không khí rộn ràng của mùa Xuân hội làng đồng quê Bắc bộ như vẫn còn đây lan tỏa cảm xúc cho người nghe, người thưởng thức văn hóa.

Trong chuỗi hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, phải kể đến thành công của phần trình diễn áo dài Huế và ca Huế. Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến công chúng Hà Nội, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết sâu sắc vùng đất và con người xứ Huế được chuyển tải qua loại hình nghệ thuật ca Huế và hình ảnh áo dài Huế sang trọng, tao nhã nhưng cũng đậm đà chất dân gian. Ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam và đứng thứ 2 về bề dày lịch sử và thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình. Điều đặc biệt là ca Huế đã đi từ cung đình ra chốn dân gian, hòa quyện với đời sống, tạo ra âm sắc riêng và tồn tại như một sản phẩm du lịch đặc sắc cùng với không gian văn hóa sông Hương, núi Ngự và cố đô Huế thanh lịch cổ kính và hấp dẫn. Trong không gian đó, áo dài Huế kiêu sa vốn dĩ, càng thêm quý giá và sang trọng trong thời điểm tôn vinh vẻ đẹp dân tộc, lấy căn cốt làm gốc để phát triển du lịch lên tầm chuyên nghiệp, sâu sắc và có triển vọng tương lai.

Mang áo dài Huế đến với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là mang một vẻ mềm mại và tươi mới đến với công chúng Thủ đô. Áo dài Huế mang theo cả muôn vàn nét đẹp của cố đô Huế. Câu chuyện ca Huế và áo dài Huế được kể duyên dáng, vừa đủ và làm sáng không gian văn hóa làm nên nét mới cho Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay. Ngoài ra, công chúng còn có cơ hội được tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Phần tái hiện lễ pơ - thi (lễ bỏ mả) của người Gia - Rai (Gia Lai), lễ mừng lúa mới “Kín khẩu hó” của dân tộc Lào (Sơn La) kèm theo đó là nghệ thuật Mo Mường của dân tộc Mường (Hòa Bình).

Dịp này cũng trùng với lễ mừng năm mới của người Khmer Nam bộ. Các tăng ni, phật tử của Phật đạo Nam tông cũng đến đảnh lễ tại ngôi chùa Khmer trong Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Họ chuẩn bị các vật phẩm để chào năm mới và thực hiện lễ dâng hoa, dâng y và thực phẩm, đắp núi cát cầu phúc, cầu duyên, cầu may mắn và nhiều nghi thức chào năm mới ấn tượng. Hội tụ nhiều hương sắc vùng miền, nhiều âm sắc văn hóa là thành công của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thụy Văn


top