Nỗ lực thực hiện tốt công tác dân tộc ở khu vực biên giới huyện A Lưới (bài 3)
- Phóng sự - Ký sự
- |
- Thứ tư, 26/10/2022 09:58 GMT+7
Biên phòng - Những năm qua, Đảng ủy BĐBP Thừa Thiên Huế luôn quan tâm tới vấn đề phát triển và xây dựng đội ngũ cán bộ là người địa phương, người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đội ngũ cán bộ này đã và đang phát huy hiệu quả công tác, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ủy BĐBP tỉnh trong việc xây dựng và tạo nguồn cán bộ.
Bài 3: Hiệu quả của công tác cán bộ đúng và trúng
Bố trí cán bộ đúng và trúng
Xuất phát từ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cán bộ cũng như công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là Nghị quyết, Kế hoạch các Chỉ thị, Hướng dẫn của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc tạo nguồn đào tạo cấp phân đội đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu vùng, miền trong BĐBP.

Theo đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ chủ trì là người dân tộc thiểu số.
Với đặc thù khu vực biên giới tiếp giáp với nước Bạn Lào, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, bởi vậy, việc bố trí cán bộ là người địa phương công tác tại địa bàn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều đơn vị có tỷ lệ cao cán bộ là người địa phương, như Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt có đồng chí Đồn trưởng, Chính trị viên, đội trưởng Tham mưu hành chính, Đội trưởng Vũ trang, Đội trưởng Vận động quần chúng và 3 cán bộ là Phó Bí thư Đảng ủy 3 xã Lâm Đớt, Hương Phong và Đông Sơn.
Thời gian vừa qua, các đồng chí đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, cùng cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn các xã biên giới Lâm Đớt, Đông Sơn và Hương Phông rất hiệu quả.
Thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh và Huyện ủy A Lưới, 11/12 xã biên giới của huyện A Lưới đều có cán bộ Biên phòng giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người ấn tượng về tác phong cũng như hiệu quả làm việc của Trung tá Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thượng.
Tháng 8/2019, Huyện ủy A Lưới chỉ định Trung tá Lê Anh Tuấn về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy. Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Hồng thủy lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu trực tiếp Bí thư Đảng ủy tại đại hội. Đại hội cũng bầu Trung tá Lê Anh Tuấn vào Ban Chấp hành Đảng bộ, và Ban Chấp hành cũng bầu Trung tá Lê Anh Tuấn làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Qua đó để thấy được sự tín nhiệm của chính quyền địa phương đối với năng lực công tác của cán bộ Biên phòng này, dù thời gian công tác của anh tại địa phương chưa lâu.
Đầu tư cho tương lai
Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác cán bộ, Đảng ủy BĐBP Thừa Thiên Huế còn luôn quan tâm phát triển đảng viên là chiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đây là lực lượng xung kích trong công tác và là “cánh tay đắc lực” cho lực lượng BĐBP trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng như tham gia phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.
Nhập ngũ tháng 2/2021, sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Binh nhất Hồ Văn Vũ được biên chế về Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Trong công tác, Hồ Văn Vũ rất chịu khó, đã tham gia tuần tra 6/10 cột mốc do đơn vị quản lý, tích cực tăng gia, sản xuất, nhiệt tình tham gia phong trào đoàn, giúp dân trên địa bàn gặt lúa, trực chốt phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù công việc nhiều, thế nhưng Hồ Văn Vũ vẫn tranh học ôn luyện và tháng 7 vừa qua, Hồ Văn Vũ được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện tham gia kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Chia sẻ về sự thay đổi của mình khi được kết nạp Đảng, Hồ Văn Vũ cho biết: “Em thấy sự thay đổi rõ rệt trong con người mình, lời ăn tiếng nói chừng mực hơn, sống gương mẫu hơn và thấy mình cần phải có trách nhiệm với hơn tổ chức, với đơn vị”.
Trong câu chuyện, đảng viên trẻ Hồ Văn Vũ luôn quyết tâm, phấn đấu để học tập những tấm gương sáng đi trước. Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết: “Trước đây, có những chiến sĩ được kết nạp Đảng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ được địa phương, đơn vị tuyển dụng lao động. Điển hình, có chiến sĩ Hồ Văn Giang sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã được tuyển dụng và đang làm việc tại Ban quản lý rừng A Đớt (huyện A Lưới); Hồ Sỹ Long về được bà con tín nhiệm bầu làm thôn đội trưởng thôn Tru Pỉ của xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Trong công tác giáo dục chính trị cho chiến sĩ, chúng tôi luôn lấy những cá nhân điển hình, thực tế để tạo động lực để các chiến sĩ lớp sau phấn đấu”.

Thời gian qua, Đảng ủy Đồn Biên phòng Nhâm rất quan tâm đến việc xây dựng lý tưởng cho chiến sĩ để từ đó làm thay đổi nhận thức, hành động của mỗi cá nhân. Năm 2022, Đảng ủy Đồn Biên phòng Nhâm tổ chức kết nạp 2 quần chúng là chiến sĩ người đồng bào dân tộc thiểu số, gồm Binh nhất Hồ Lê Anh Thắng (Đội Tham mưu hành chính), Binh nhất Hồ Xuân Lý, chiến sĩ Đội Vũ trang.
Trong thời gian công tác tại đơn vị, 2 quần chúng này luôn thể hiện được sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và đều có nguyện vọng thiết tha được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trung tá Vũ Văn Giảng, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Nhâm cho biết: “Đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ với chiến sĩ biên phòng hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương để hướng dẫn làm ăn, chấp hành pháp luật của Nhà nước, là tấm gương để mọi người học hỏi. Trên địa bàn quản lý của đơn vị có những chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ và trở thành tấm gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình, tích cực cùng BĐBP bảo vệ biên giới”.
Điển hình: anh Nguyễn Hải Teo (thôn Pi ây 2, xã Quảng Nhâm), nguyên là chiến sĩ của Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế và năm 2017 được Đảng ủy Đồn Biên phòng Lăng Cô kết nạp vào Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Nguyễn Hải Teo bắt tay vào làm kinh tế. Trên diện tích đất của gia đình vốn được bố mẹ trồng keo, nhưng chàng thanh niên trẻ nhận định keo cũng phải 4-5 năm mới cho thu hoạch, phải trồng cái gì đó để lấy ngắn nuôi dài.
Thế là anh chuyển sang trồng chuối rồi nuôi bò lấy phân bón cây thay vì dùng phân hóa học. Một lần, Nguyễn Hải Teo được tiếp cận thông tin về việc nuôi lợn. Anh đã bán 8 con bò lấy tiền để là chuồng, đầu tư cơ sở vật chất để bắt đầu nuôi lợn.
Trả lời câu hỏi sao không ổn định với việc nuôi bò cũng đem lại giá trị kinh tế cao, Nguyễn Hải Teo chia sẻ: “Tôi muốn tiếp cập cái mới để xem sức mình đến đâu. Những tháng năm quân ngũ đã cho tôi bài học rằng, tuổi trẻ không ngại khó, không ngại khổ và không ngại thất bại để có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Ban thân tôi cũng muốn lan tỏa tinh thần ấy với các bạn trẻ khác”.
Trúc Hà