Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nỗ lực giảm tỷ lệ tảo hôn ở xã biên giới Trường Sơn

Biên phòng - Xuất phát điểm kinh tế, trình độ dân trí thấp là những trở ngại khiến tình trạng tảo hôn ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn chưa thể loại bỏ triệt để ra khỏi cộng đồng người Vân Kiều nơi đây. Thời gian qua, chính quyền địa phương, đặc biệt là Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Trường Sơn tự tin trình bày bài thi về phòng, chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Ảnh: Trúc Hà.

Khó khăn của xã vùng biên

Xã Trường Sơn nằm phía phía Tây của huyện Quảng Ninh, có 1.248 hộ/ 5.215 khẩu, sinh sống tại 19 thôn, bản với 2 dân tộc, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm 62%, dân tộc Kinh chiếm 38%. Tính theo tiêu chí mới, xã Trường Sơn còn 412 (hộ chiếm 33.01%) hộ nghèo, trong đó hộ người Vân Kiều chiếm đa số với 394 hộ. Điều đó cho thấy, đời sống đồng bào Vân Kiều đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt ở các bản sâu xa dọc tuyến biên giới, cơ sở hạ tầng thiết yếu, các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí mặc dù có những bước cải tiến nhưng chưa sâu, còn nhiều hạn chế.

Cùng với quan niệm “kết hôn sớm để sinh con, đẻ cái” đã có từ lâu đời trong cộng đồng người Vân Kiều khiến Trường Sơn vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao so với các xã khác trong tỉnh Quảng Bình.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây những hệ lụy ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, việc kết hôn sớm dễ dẫn đến cuộc sống cơm không lành, canh không ngọt. Hôn nhân tan vỡ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của những đứa con của các cặp vợ chồng trẻ này. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người Vân Kiều, thời gian qua, UBND xã Trường Sơn đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường bằng nhiều giải pháp cụ thể”.

Đến nay, UBND xã Trường Sơn đã tổ chức nhiều đợt đến tận các bản người Vân Kiều để tuyên truyền trực tiếp cho người dân, gồm các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đạo đức và lối sống trong gia đình; phong trào xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa ở miền núi… Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các nhà trường đã đem lại những hiệu quả tích cực. Thông qua hội thi đã cung cấp thông tin cho người dân và các em học sinh về các luật như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến giáo, dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hội thi cũng nhằm thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Tiểu dự 2 – Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025. Thực tế cho thấy, các hội thi góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân đối với nhiều người, nhất là các em học sinh.

Nỗ lực bằng giải pháp cụ thể

Bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia địa bàn phụ trách (cụ thể là xã Trường Sơn), thời gian qua, Đồn Biên phòng Làng Mô luôn xác định việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được đơn vị thường xuyên quan tâm, chú trọng. Việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được đơn vị lồng ghép vào các đợt tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.

Không chỉ tuyên truyền, vận động, Đồn Biên phòng Làng Mô còn thực hiện những việc làm cụ thể, thiết thực, đem lại hiệu quả thực tế. Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” ngoài mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các em học sinh nghèo có thêm cơ hội đến trường còn được coi là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng tảo hôn ở Trường Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô giúp đồng bào Vân Kiều xã Trường Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: Trúc Hà

Thực tế, những trường hợp tảo hôn rơi vào những học sinh bỏ học giữa chừng, ở nhà làm rẫy rồi kết hôn sớm. Bởi vậy, việc Đồn Biên phòng Làng Mô hỗ trợ, đỡ đầu như tiếp thêm động lực để học sinh có điều kiện theo học lên cao. Đặc biệt, 2 năm qua, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” đã giúp 39 em học sinh được hỗ trợ, trong đó có 38 cháu được nhận 600 nghìn mỗi tháng (9 tháng mỗi năm) và 1 cháu được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng mỗi tháng (12 tháng 1 năm).

Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: “Năm 2023, toàn xã còn xảy ra 7 trường hợp tảo hôn, có giảm so với năm trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Chúng tôi xác định, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cũng sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức, bởi vậy, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình nhằm đồng hành cùng người dân thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ và tiến tới không còn tảo hôn trên địa bàn”.

Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, mô hình “Tiếng máy vùng biên” của Đồn Biên phòng Làng Mô đã phát huy hiệu quả với việc vận động gần 100 chiếc máy tuốt, máy xay xát, máy nghiền và lồng gặt lúa để hỗ trợ cho người dân. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2020, khi những người lính Biên phòng đến Dốc Mây- bản xa xôi nhất của xã Trường Sơn.

Thấy cảnh những người phụ nữ giã gạo bằng tay, vừa tốn sức lao động lại mất thời gian, Đồn Biên phòng Làng Mô đã “cõng” về Dốc Mây chiếc máy xay xát đầu tiên giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ được giải phóng sức lao động khi những bao lúa đổ vào máy chỉ sau ít phút đã cho ra những hạt gạo trắng tinh. Đến nay, không chỉ ở Đốc Mây mà ở Khe Cát, Trân Trôộng, Cây Cà... đâu đâu cũng rộn ràng tiếng máy vùng biên.

Thực tế, mô hình “Tiếng máy vùng biên” không chỉ giúp người dân tiết kiệm sức lao động mà còn tạo động lực để người dân tự tin hơn trong sản xuất. Người dân chủ động khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, cuộc sống cũng vì thế mà được cải thiện.

Trúc Hà


top