Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn ở Hướng Việt
- Tin tức thời sự
- |
- Chủ nhật, 19/11/2023 15:03 GMT+7
Biên phòng - Nhằm hướng tới mục tiêu “đưa tỷ lệ tảo hôn về bằng 0”, thời gian qua, Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để loại bỏ hủ tục này ra khỏi cuộc sống của người dân.
Những nỗ lực không ngừng
Đời sống kinh tế, trình độ dân trí thấp là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng tạo hôn ở xã Hướng Việt vẫn còn tồn tại. Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn (thậm chí là hôn nhân cận huyết thống) diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng người Vân Kiều nơi đây.
Thực tế cho thấy, trẻ em gái vị thành niên chính là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi khi kết hôn sớm. Bản thân các em sau khi lấy chồng vừa phải làm mẹ, vừa phải giữ vai trò là lao động chính trong gia đình vì thế cuộc sống của những “bà mẹ trẻ” vô cùng vất vả. Bên cạnh đó, cuộc sống của những đôi vợ chồng “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng thường xuyên lục đục, khó bền vững, yên ấm bởi thiếu kỹ năng sống và sự đảm bảo về vật chất.
“Bắt bệnh” được nguồn cơn, bởi vậy, Đồn Biên phòng Hướng Lập, UBND xã Hướng Việt đã có những biện pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, trong đó tập trung việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng để bà con tự nhận thức, tự thay đổi hành vi. Khoảng 10 năm trở lại đây, tại xã Hướng Việt không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống; tình trạng tảo hôn thì giảm hẳn.
Để có được kết quả trên, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã cùng các ban, ngành, đoàn thể xã Hướng Việt tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và gia đình, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện các mô hình can thiệp để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm... Bằng việc tuyên truyền nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trong các buổi sinh hoạt của hội viên hội phụ nữ để họ nhắc nhở con em mình, nhất là quan tâm đến các cháu đang đến tuổi vị thành niên, trẻ em trước nguy cơ bỏ học…
Thiếu tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Thời gian qua, Đồn Biên phòng Hướng Lập luôn xác định việc tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là một trong những nhiệm vụ của đơn vị. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai nhiều hoạt động giúp dân bằng việc trao sinh kế, làm nhà, các công trình phúc lợi để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con. Đời sống của bà con có khá, trình độ dân trí được nâng lên, địa bàn có ổn định là tiền đề tốt để BĐBP quản lý địa bàn, vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.
Kiên trì bám mục tiêu
Theo tìm hiểu, tình trạng hôn nhân cận huyết thống không còn, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở Hướng Việt tuy không ở mức cao, chỉ 1-3 cặp mỗi năm. Thực tế, những trường hợp tảo hôn thường là sống xa nhà, không có sự quản lý sát sao từ gia đình, các bạn trẻ nảy sinh tình cảm khác giới, có thai ngoài ý muốn nên gia đình buộc phải cho cưới. Năm 2023, xã Hướng Việt có 2 trường hợp tảo hôn đều là trường hợp có thai ngoài ý muốn.
Bà Hồ Thị T (mẹ của Hồ Thị Y - một trong những trường hợp tảo hôn ở xã Hướng Việt) cho biết: “Gia đình cũng không muốn con lấy chồng sớm vì cho con đi học là mong con sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, con đi học xa nhà, có bạn trai rồi có thai nên giờ không cho lấy chồng cũng không được. Vì chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn nhưng thôi phải tổ chức theo phong tục, cũng chẳng dám làm cỗ mời hàng xóm. Con cái lấy chồng trong trường hợp thế này là cha mẹ, tôi cũng chẳng thấy vui vẻ gì”.
Trả lời về nguyên nhân vẫn chưa chấm dứt hẳn được tảo hôn, bà Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết: “Việc triển khai các biện pháp phòng, chống tảo hôn trên địa bàn gặp một số khó khăn như: Các trường hợp tảo hôn thường có chồng là người ngoài địa bàn nên việc tuyên truyền mới chỉ dừng ở “tuyên truyền 1 phía”. Trên thực tế, suy nghĩ của “lớp người cũ” vẫn chưa thật sự thay đổi, gia đình cần lao động nên cứ nghĩ đơn giản cưới vợ cho con để có thêm lao động trong gia đình. Một số gia đình khó khăn, không có điều kiện cho con học tiếp, phải nghỉ học giữa chừng nên kết hôn sớm. Bên cạnh đó, có những gia đình chưa thật sự quan tâm đến con cái, cho con thoải mái sử dụng điện thoại di động nên các cháu có cơ hội làm quen yêu đương … có bầu và dẫn đến tảo hôn”.
Để hướng đến mục tiêu chấm dứt hẳn tình trạng tảo hôn trên địa bàn, Thiếu tá Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt cho biết, xã Hướng Việt vẫn đang tích cực trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, tập trung về Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền cho người dân biết về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xử phạt đối với những gia đình vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình; phát động phong trào nói không với tảo hôn…
Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Lập tập trung giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chất lượng cuộc sống được nâng lên sẽ làm thay đổi về nhận thức, từ đó góp phần làm giảm tỉ lệ tảo hôn trong cộng đồng.
Cũng theo Thiếu tá Lê Văn Dùy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mục tiêu của cấp ủy, chính quyền xã Hướng Việt là nỗ lực để “tỷ lệ kết hôn sớm giảm theo từng năm, đưa về mức 0 và duy trì kết quả đó”.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương và các tổ chức xã hội, sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng, nhất là từ trong mỗi gia đình, tình trạng tảo hôn trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số khu vực miền núi ở Quảng Trị đã giảm dần và sẽ sớm chấm dứt trong thời gian tới.
Trúc Hà