Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

Biên phòng - Nhiều năm qua, ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thành lập rất nhiều đội chiêng lớn, nhỏ để truyền dạy đánh cồng chiêng. Cùng với đó, các cấp, các ngành tỉnh Gia Lai đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp để tôn vinh giá trị văn hóa cồng chiêng nhằm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận ngày 25-11-2005.

Đội chiêng của xã Glar, huyện Đắk Đoa trình diễn cồng chiêng tại đêm khai mạc kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25/11/2005 - 25/11/2020) tại thành phố Pleiku. Ảnh: Thùy Dung

Buôn làng vang tiếng chiêng

Gia Lai là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên còn giữ gìn được rất nhiều bộ cồng chiêng. Nhiều năm qua, được sự động viên của các cấp, chính quyền và khát khao bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các nghệ nhân trong cộng đồng làng mà cồng chiêng ngày càng được nhân rộng hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và rất nhiều đội chiêng lớn, nhỏ.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo, người Ba Na ở làng Pyang (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) nổi tiếng khắp vùng Đông Trường Sơn vì đã đào tạo được hàng trăm học trò thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa truyền thống, đặc biệt là đánh chiêng. Ông được ví như báu vật sống của làng Pyang, vì thành thạo nhiều lĩnh vực văn hóa như cồng chiêng, múa xoang, đan lát, tạc tượng... Từ tình yêu này, ông đã mở rất nhiều lớp học nhằm khơi dậy tình yêu văn hóa trong cộng đồng làng, đồng thời, giữ gìn âm nhạc truyền thống của người Ba Na vùng này. Tính đến nay, nghệ nhân Đinh Keo có khoảng hơn 300 học trò học nghề đan lát, đánh cồng chiêng... Ngoài ra, ông còn đứng lớp dạy đánh chiêng cho nhiều làng lân cận và trường học trên địa bàn huyện Kông Chro. Các đội chiêng do ông đào tạo thường xuyên được mời góp mặt trong các lĩnh vực văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ về văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng làng, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo cho biết: “Cồng chiêng là một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng làng ở Tây Nguyên. Nó gắn bó với con người từ lúc sinh ra cho đến khi về với ông bà, tổ tiên. Cồng chiêng có mặt trong những ngày lễ quan trọng của làng như lễ Pơ thi, lễ cúng giọt nước, lễ mừng lúa mới... Âm nhạc cồng chiêng còn là sự kết nối với Yàng để cầu xin cho dân làng sức khỏe, một năm mưa thuận, gió hòa để làm ăn, phát triển kinh tế. Để cồng chiêng không bị mai một, tôi thường xuyên mở các lớp dạy đánh chiêng để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình”.

Nghệ nhân Ưu tú A Líp (ở xã Glar, huyện Đắk Đoa) cũng là một nhân tố điển hình trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Năm 11 tuổi, ông đã thành thạo các bài chiêng truyền thống. Cũng từ tình yêu này, ông đã tìm cách truyền dạy cho dân làng để lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Được sự hưởng ứng của đông đảo dân làng, ông đã thành lập rất nhiều đội chiêng lớn, nhỏ để truyền dạy đánh chiêng, múa xoang. Đến nay, đội chiêng xã Glar thường xuyên được mời biểu diễn trong nhiều hoạt động văn hóa của tỉnh Gia Lai.

“Việc thành lập và truyền dạy các bài chiêng truyền thống cho dân làng là việc cần thiết và nên làm để tránh tình trạng chảy máu cồng chiêng. Điều này sẽ giúp đồng bào mình giữ gìn được văn hóa mà cha ông để lại từ hàng ngàn đời nay” - Nghệ nhân A Líp cho biết.

Phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Nhằm giúp người dân thêm yêu bản sắc dân tộc, gìn giữ văn hóa cồng chiêng, không để cồng chiêng chảy máu, nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở địa phương mà văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang được bảo tồn hiệu quả. Ngoài ra, việc kết hợp Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có những tín hiệu khả quan. Thông qua các hoạt động trên đã góp phần đưa văn hóa cồng chiêng đến gần hơn với mọi người.

Qua điều tra, thống kê sơ bộ tại 1.192 làng đồng bào dân tộc Jrai, Ba Na trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó, dân tộc Jrai có 3.373 bộ, dân tộc Ba Na có 2.282 bộ và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Số lượng làng có cồng chiêng trong tổng số làng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 948/1.192 làng, chiếm 79,5%; 224 làng đồng bào dân tộc thiểu số không còn cồng chiêng chiếm 18,8%; đơn vị cấp huyện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất là huyện Ia Grai với 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm.

Anh Siu Thươm, Trưởng đoàn nghệ nhân Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku) cho biết: Đội chiêng Pleiku Roh có 50 thành viên, hầu hết là thanh, thiếu niên. Nhiều năm qua, đội chiêng đã được tham gia rất nhiều sự kiện văn hóa như kỷ niệm 15 năm UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Qua những hoạt động này, bà con được gặp gỡ, thắt chặt thêm tình yêu văn hóa và có động lực hơn để giữ gìn, bảo tồn cồng chiêng.

Tại lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Kpă Thuyên kêu gọi các cấp, các ngành dành sự quan tâm hơn nữa cho cồng chiêng để phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng trên mảnh đất Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, trong 15 năm qua, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các cam kết, từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng, đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học để tiếp tục duy trì, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Thùy Dung


top