Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Những tục lệ đặc biệt của bộ tộc Gabra

Biên phòng - Gabra là nhóm bộ tộc sinh sống chủ yếu ở vùng phía Bắc Kenya và cao nguyên phía Nam Ethiopia. Khu vực định cư của người Gabra rộng 350.000km2, trải dài từ quận Marsabit của Kenya đến tỉnh Sidamo của Ethiopia. Bộ tộc Gabra được mô tả là những “warra dassee” (theo tiếng Gabra) - có nghĩa là những người có lối sống du mục, chăn nuôi lạc đà.

Phụ nữ Gabra bên cạnh lều “mandasse”. Ảnh: LAST TRIBES

Theo một số tài liệu ghi nhận, người Gabra có nguồn gốc từ Somalia, sau đó dần di cư sang Kenya và Ethiopia. Nơi người Gabra sinh sống có địa hình gập ghềnh và đất đai khô cằn. Bộ tộc Gabra chăn nuôi chủ yếu lạc đà, cừu, dê và một số gia súc khác. Người Gabra buôn bán trao đổi lạc đà bằng tiền mặt hoặc quy đổi ra cừu hoặc dê. Giá một con lạc đà tương đương với 7 con dê hoặc cừu. Một đàn gia súc của người Gabra có số lượng khoảng 125 con các loại. Lạc đà, cừu và dê là những con vật dễ nuôi và có thể sống ở khu vực khô hạn. Vào mùa khô, khi nguồn nước khan hiếm, người Gabra thường sống dựa vào nguồn sữa lạc đà và sữa dê.

Nhà của người Gabra được gọi là “mandasse” - là những chiếc lều có hình vòm bện từ rễ cây keo và phủ cỏ, vải dệt và da lạc đà xung quanh. Trong lều được chia thành 4 khu gồm các khu dành cho cha mẹ, con cái, khách nam và khách nữ. Khi đến mùa di cư, người Gabra thường tháo rời lều và ghép thành kiệu trên lưng lạc đà để chở trẻ em và người già. Đàn ông Gabra hay đeo các lục lạc bằng gỗ lên cổ các con lạc đà để có thể kiểm soát số lượng đàn lạc đà.

Bộ tộc Gabra sống trong những ngôi làng nhỏ có tên gọi “ola”. Mỗi ngôi làng thường có một người đứng đầu quản lý. Mỗi ngôi làng thường di cư từ 10 đến 12 lần mỗi năm để tìm kiếm các đồng cỏ chăn nuôi lạc đà và gia súc. Các hoạt động trong ngày của người Gabra cần nhiều nhân lực lao động, vì vậy, trong gia đình Gabra, mỗi thành viên đều có những nhiệm vụ cụ thể. Đàn ông Gabra sẽ quyết định thời điểm di cư, phụ nữ Gabra chịu trách nhiệm đóng gói và dỡ đồ đạc tại địa điểm dựng lều trước và sau khi di cư.

Từ 7 tuổi trở lên, trẻ em Gabra sẽ giúp bố mẹ chăm sóc gia súc; trong khi các cụ già trong gia đình chủ yếu chăm sóc trẻ em dưới 7 tuổi. Đàn ông Gabar thường mặc quần đùi truyền thống và áo choàng trùm đầu, còn phụ nữ thì quấn khăn và đội khăn trùm đầu. Trong lúc di cư, phụ nữ Gabra thường khâu những chiếc túi lớn bằng da để đựng thịt, hoa quả và các loại thức ăn khác.

Hôn nhân là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Gabra và được coi là nghi lễ quan trọng nhất trong truyền thống bộ tộc Gabra. Của hồi môn trong các lễ cưới của nhà trai gửi cho nhà gái bao gồm hai túi da đựng thuốc lá và cà phê cùng các món quà khác như gia súc. Khi gần đến ngày cưới, gia đình và bạn bè của chú rể sẽ di chuyển ngôi làng nhỏ đến gần với ngôi làng nhỏ nơi cô dâu sinh sống. Một tuần trước lễ cưới, hai gia đình sẽ thực hiện các buổi cầu nguyện và cùng chăn thả lạc đà.

Ngày tổ chức lễ cưới thường diễn ra vào ngày trăng tròn và là ngày trong tuần. Vào ngày cưới, chú rể và cô dâu người Gabra sẽ cạo trọc đầu chỉ để lại một mỏm tóc có tên gọi là “Gamme”. Chú rể Gabra thường che Gamme bằng khăn choàng màu trắng cho đến khi tóc mọc ra; cô dâu Gabra từ khi lấy chồng sẽ không được cắt tóc. Cuối ngày lễ cưới, phụ nữ trong làng của cô dâu sẽ tập trung dựng lều tân hôn cho cô dâu, chú rể bằng cách tháo các mảnh ghép lều của mẹ cô dâu.

Người Gabra theo tín ngưỡng độc tôn, chỉ thờ phụng vị thần duy nhất là thần Waapa. Từ “Waapa” dịch ra có nghĩa là vị thần bầu trời. Trước khi dắt gia súc ra đồng cỏ, người Gabra thường cầu nguyện thần Waapa ban phước lành cho thời tiết thuận lợi và cuộc sống thịnh vượng hơn. Các buổi cầu nguyện thường được một người đứng ra chủ trì có tên gọi là “kallu”. Người Gabra cũng thường hành hương đến các địa điểm linh thiêng trên núi để cầu cho mưa thuận, gió hòa, hầu hết đều nằm ở vùng núi như Hesi-Nabo và Agal, Kenya.

Thu Minh


top