Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Những sự hối tiếc muộn màng

Biên phòng - Tính từ năm 2020 đến nay, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có 60 cặp tảo hôn, 3 cặp hôn nhân cận huyết thống. Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi và làm suy giảm nguồn nhân lực, tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dạy tốt, sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, có nhiều bệnh tật.

Em Sùng Thị Xanh, ở thôn Đoàn Kết, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang kết hôn khi mới 16 tuổi. Ảnh: Ái Vân

Mới 16 tuổi, em Sùng Thị Xanh, ở thôn Đoàn Kết, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã lấy chồng và chuẩn bị sinh em bé đầu lòng. Về với nhau ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa ấm, đôi vợ chồng trẻ mới nhận ra những vất vả, khó khăn ở phía trước, nhất là khi chồng Xanh đi làm ăn xa, bố mẹ chồng già yếu, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều đến tay Xanh lo liệu.

Em Xanh chia sẻ: Sau khi lấy chồng thì em bỏ học luôn, em cảm thấy cuộc sống sau kết hôn thật là khác, vất vả lại không được tự do. Em mang thai được 9 tháng rồi mà chưa có kiến thức gì về sức khỏe sinh sản hay chăm sóc con cái, em thấy có lỗi với bố mẹ, thầy cô.

Gần nhà Xanh có em Giang Thị Kìa cũng bỏ học lấy chồng khi 14 tuổi, cuộc sống rất vất vả khi vừa phải chăm con nhỏ, vừa phải lo cho cuộc sống khốn khó của gia đình. Cô bé thấy hối tiếc vì đã lấy chồng sớm, khi bạn bè cùng trang lứa vẫn hồn nhiên cắp sách đến trường. “Nhà em nghèo lắm, ở xa trung tâm, hằng ngày ở nhà chỉ trông con, làm việc nhà, nuôi con gà, con vịt… nhiều khi muốn mua bánh, sữa cho con nhưng không có tiền” - em Kìa chia sẻ. Chồng Kìa đi làm thuê khắp nơi, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của vợ chồng Kìa vô cùng khó khăn hơn.

Còn với hoàn cảnh của chị Ly Thị Ọt, trú tại thôn Khu Vài, xã Ngàm Đặng Vài, huyện Hoàng Su Phì thì khác. Năm 2011, chị Ọt được bố mẹ tổ chức đám cưới với người anh con bác gái ruột. Sau khi lấy nhau được 1 năm, chị Ọt sinh con gái đầu lòng. Khi sinh ra cháu gái bị dị tật bẩm sinh, hai mắt bị mờ, không nhìn rõ mọi vật xung quanh. Đến nay, ông bà, bố mẹ phải chăm sóc cho cháu…

Chị Ly Thị Ọt và con gái đầu lòng khi sinh ra đôi mắt của bé đã không nhìn rõ mọi vật xung quanh, đây là hệ quả của việc kết hôn cận huyết thống. Ảnh: Ái Vân

Chị Ly Thị Ọt rất hối hận. “Anh em cận huyết thống lấy nhau, sinh con ra bị tật bẩm sinh như thế, tôi cũng khổ mà con tôi cũng khổ. Từ hoàn cảnh của tôi, tôi khuyên tất cả mọi người, là anh em cận huyết thống thì không nên lấy nhau” - chị Ọt chia sẻ.

Những giọt nước mắt hối tiếc, tiếng nói đứt quãng không rõ chữ nhưng là mong ước, là khát khao cháy bỏng muộn màng. Vì thiếu hiểu biết mà kết hôn ở tuổi vị thành niên, lại là anh em cùng huyết thống. Khi đã trải qua, nhìn thấy những hậu quả đáng tiếc của những hủ tục và khi những người trong cuộc lên tiếng với tiếng lòng của mình thì mới làm thay đổi tư duy, nhận thức của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số. Từ đó, rút ra kinh nghiệm không đi theo vết xe đổ của người đã vấp phải.

Còn em Hoàng Văn B, học sinh Trường bán trú Trung học cơ sở xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì thì năm 2018, dù đang ngồi trên ghế nhà trường, B đã bắt bạn học của mình là Vương Thị Chở, sinh năm 2002 về làm vợ. Do cả hai em đều chưa đủ 18 tuổi nên gia đình hai bên đã thống nhất không đăng ký kết hôn, tự về sống chung với nhau làm vợ chồng. Hậu quả của việc tảo hôn, cả hai bỏ học giữa chừng, làm cha mẹ khi mới 16 tuổi.

Không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế, khó khăn nên Chở rất hối hận vì đã lấy chồng sớm. Em cho biết, ở nhà chồng điều kiện kinh tế rất khó khăn, vất vả. Nếu bây giờ được lựa chọn lại, em sẽ chọn cách đi học, có việc làm rồi mới lấy chồng.

Vợ chồng em Vương Thị Chở mang theo con lên nương. Ảnh: Ái Vân

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, hiện nay có 600 em trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi thì có 38 trường hợp tảo hôn. Trong năm, tỉnh Hà Giang ghi nhận gần 2.400 cặp tảo hôn, đa số là học sinh, mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng vì nhiều lý do, chính quyền địa phương vẫn khó xử lý các trường hợp vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoàng Su Phì cho biết, hiện giờ mới có quy định xử lý về hành vi tổ chức tảo hôn, không còn coi hành vi tảo hôn là tội phạm, hành vi tổ chức tảo hôn cũng chưa được giải thích rõ ràng nên rất khó trong xử lý vi phạm. Ngoài ra, các cháu còn trẻ, suy nghĩ nông cạn, nếu gia đình ngăn cản lại rủ nhau gây ra những hành động tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng.

Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, đối với các trường hợp học sinh tảo hôn cần phải thực hiện các giải pháp quyết liệt trong tuyên truyền, vận động và cũng cần phải xử lý theo quy ước, hương ước của thôn và các quy định của Nhà nước có như vậy thì nạn tảo hôn mới chấm dứt.

Hiện tại, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhưng tình trạng tảo hôn của huyện vùng cao Hoàng Su Phì vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình cũng như những tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân.

Ái Vân


top