Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Những hệ lụy từ nạn tảo hôn ở xã Cư Pui

Biên phòng - Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk hiện có 6 thôn đồng bào dân tộc Mông với 1.324 hộ. Thời gian qua, dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn song tình trạng tảo hôn tại các thôn đồng bào dân tộc Mông vẫn thường xuyên xảy ra và gây ra nhiều hệ lụy.

Em Lò Thị Mỷ, trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk lấy chồng từ năm 15 tuổi. Ảnh: CTV

Đói nghèo, thất học, suy giảm sức khỏe do tảo hôn

Hầu hết những gia đình tảo hôn ở đồng bào Mông đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế, bên cạnh đó tập tục lạc hậu đã ăn sâu trẻ em gái 13-14 tuổi lấy chồng, sinh con xảy ra phổ biến ở hầu hết các thôn, bản có dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Krông Bông.

Em Lò Thị Mỷ trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, lấy chồng từ lúc 15 tuổi, hiện nay con đầu trai đầu lòng đã được hơn 1 tuổi, còn em mang thai đứa con thứ 2 đã gần đến ngày sinh. Do chưa đủ tuổi kết hôn nên em và chồng chưa có giấy đăng ký kết hôn, con của em cũng chưa có giấy khai sinh. Em chờ đến năm sau đủ tuổi em mới làm đăng ký và giấy khai sinh cho con được. Tuổi nhỏ mà tay bồng, tay bế, kỹ năng chăm sóc bản thân mình chưa hoàn thiện, phải chăm sóc con để chồng đi làm kiếm tiền lo cho gia đình, trang trải cuộc sống, cái nghèo túng thiếu vây quanh.

Vợ chồng em Sùng Văn Dơ và Giàng Thị Mo ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui trông già hơn tuổi khi cuộc sống gia đình bữa no, bữa đói. Mới hơn 20 tuổi, Mo đã là mẹ của 6 đứa con, hai bên gia đình đã di cư đến nơi khác, chỉ còn lại căn nhà dựng tạm trên mảnh đất mượn khoảng 20m2. Không có nhà, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, vợ chồng Dơ Mo không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, cả 6 đứa con đều không có giấy khai sinh và không được đi học.

Thôn Ea Bar có 346 hộ đồng bào Mông sinh sống, hầu hết các hộ dân trong thôn đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có vợ chồng em Hầu So Sính và Chu Thị Dế vẫn ở cùng bố mẹ do chưa có điều kiện ra ở riêng. Lấy chồng khi chưa đủ 15 tuổi, đến nay, chị Dế mới 27 tuổi mà đã có 5 đứa con.

Tuổi còn trẻ, đẻ nhiều con, gia đình đã khó nay càng khó khăn hơn. Mặc dù vừa trải qua kỳ sinh nở, chị Dế vẫn phải gửi con cho mẹ chồng chăm sóc, còn mình phải đi làm, kiếm ăn cho gia đình và đàn con. Cuộc sống ngày nào cũng thiếu trước, hụt sau, sức khỏe suy giảm do lấy chồng và sinh nở sớm, sinh nở nhiều lần.

Tảo hôn là tác nhân gây ra nhiều hệ luỵ cho người vi phạm mà còn ảnh hưởng đến việc khai sinh cho con, không đảm bảo các quyền lợi về hộ tịch, hộ khẩu, thừa kế, tranh chấp dân sự, tảo hôn cũng là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bệnh tật.

Bà Giàng Thị Sâu, trú tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, tôi có 3 đứa con, con gái đầu nói cũng nghe lời, đủ 18 tuổi mới cưới chồng, còn 2 đứa con trai thì không nghe lời. Khi nó dắt người về, tôi cứ nghĩ nó dắt về chơi, nhưng nó lại dắt về cưới. Làm bố, làm mẹ mình cũng không thể đuổi nó được đi nên cũng phải cho hai đứa cưới thôi, không cho cưới thì nó cũng ở với nhau.

Nguyên nhân nạn tảo hôn chủ yếu đều xuất phát từ nhận thức, tập quán lạc hậu, một số ít nhận thức về tâm sinh lý lứa tuổi chưa đúng đắn, xem nhẹ trước những nguy cơ gây tổn hại sức khoẻ vị thành niên, suy giảm giống nòi. Ngoài ra, nhiều trường hợp có điều kiện hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học sớm, làm thuê kiếm sống, lấy vợ, lấy chồng để có người lao động, tạo dựng cuộc sống. Chính vì vậy, người thân của các cặp tảo hôn biết lấy nhau chưa đủ tuổi là hành vi vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn lén lút tổ chức đám cưới để họ chung sống thành vợ chồng với nhau.

Cán bộ phụ nữ xã phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân trên địa bàn. Ảnh: CTV

Nhiều giải pháp ngăn chặn tảo hôn nhưng hiệu quả không cao

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, các địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, quy định của của pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình Đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em…, nhiều hình thức tuyên truyền được áp dụng, nhiều buổi tuyên truyền quy mô lớn được tổ chức và nhiều tờ rơi tuyên truyền được phát đến tay của người dân.

Qua mỗi buổi tuyên truyền, nhận thức của người dân đã phần nào được nâng cao hơn, nhiều người biết tảo hôn và tổ chức tảo hôn là sai phạm. Tuy nhiên, sau những buổi tuyên truyền tình trạng tảo hôn vẫn còn tái diễn, nhiều gia đình vẫn lấy những lý do về kinh tế, về nhận thức của con cái để biện minh cho vấn đề tảo hôn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm trước, chuyện lấy vợ, lấy chồng sớm, sinh nhiều con trên địa bàn Cư Pui diễn ra thường xuyên, đến nay, tuy đã giảm nhưng chưa hoàn toàn triệt để. Các địa phương đã củng cố đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Trên hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt thôn, hội, đoàn thể và gặp gỡ tuyên truyền tại gia đình nhưng kết quả mang lại chưa cao.

Ngoài hoạt động phổ biến tuyên truyền pháp luật thì việc kiểm tra xử lý các vụ vi phạm về tảo hôn và tổ chức tảo hôn của chính quyền địa phương chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ái Vân


top