Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Những câu chuyện truyền thống của bộ tộc Tharaka

Biên phòng - Từ nhiều thế kỷ trước, những câu chuyện truyền thống của các dân tộc tại Kenya luôn là yếu tố thu hút trên thế giới. Nhờ sự đa dạng sắc tộc nên nhiều nét văn hóa đặc sắc của các bộ tộc vẫn được lưu giữ tại Kenya cho đến ngày nay, trong đó có bộ tộc Tharaka.

Phụ nữ Tharaka trong trang phục truyền thống. Ảnh: The Ecologist

Bộ tộc Tharaka nói ngôn ngữ Bantu ở Kenya và là một cộng đồng nhánh của bộ tộc Ameru. Văn hóa của người Thakara có kết nối với văn hóa của các bộ tộc Chuka, Mwimbi, Imenti, Tigania và Igembe. Hiện nay, có khoảng 140.000 người Tharaka cư trú chủ yếu ở phía Tây và thượng nguồn sông Tana. Người Tharaka chủ yếu làm nghề nông như chăn nuôi bò, dê, cừu và trồng cây ngũ cốc, bông và hoa hướng dương. Nhờ mở rộng giao thương hàng hóa với các nơi trên khắp Kenya nên nền kinh tế của cộng đồng người Tharaka rất phát triển.

Nguồn gốc lịch sử của Tharaka được lưu giữ trong truyền thuyết và văn hóa dân gian, trong đó có truyền thuyết được kể lại nhiều nhất về thủ lĩnh Kibuka. Theo truyền thuyết, Kibuka là thủ lĩnh tinh thần của bộ tộc Tharaka. Ông làm nghề y và cũng là thần gọi mưa. Ông đã cung cấp cho các chiến binh Tharaka những lá bùa trong các cuộc chiến tranh để bảo vệ họ khỏi kẻ thù trong khi chiến đấu. Con trai cả của ông đã chỉ huy các chiến binh trong mọi cuộc chiến. Trong một số trận chiến, người con trai hy sinh nhưng được hồi sinh nhờ sức mạnh của những lá bùa được ông Kibuka đánh dấu. Một lần nọ, một kẻ phản bội đã tiết lộ cho kẻ thù về sức mạnh của lá bùa trên bụng của người con trai, do đó, người con trai của Kibuka đã ra đi mãi mãi. Người con trai hy sinh đã khiến ông Kibuka vô cùng đau buồn và rời khỏi nơi ở. Nơi ông Kibuka từng sinh sống trở thành ngôi đền thờ gần trường tiểu học ở quận Tunyai, hạt Tharaka ngày nay.

Cấu trúc xã hội của Tharaka dựa trên hệ thống thị tộc. Hội đồng trưởng tộc (tên gọi là “kiama”) là cơ quan tư pháp của cộng đồng. Họ chịu trách nhiệm đảm bảo luật pháp và trật tự, ra quyết định, tôn giáo và hành chính. Đứng đầu một làng cộng đồng người Tharaka là trưởng tộc (tên gọi là “mukuru”) - người sẽ đưa ra những lời khuyên răn và đứng ra giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng. Để đạt được vị trí cao nhất trong xã hội là trưởng tộc, một người đàn ông Tharaka phải đạt được học vấn cao và được nhiều người tín nhiệm trong cuộc sống. Trưởng tộc cũng sẽ chủ trì các nghi lễ như các lễ hiếu hỉ, lễ đón chào trẻ sinh ra đời và lễ thu hoạch mùa màng.

Bộ tộc Tharaka tin vào sức mạnh của các thầy lang. Thầy lang trong bộ tộc được coi là những người ưu tú và được cho là có kiến ​​thức về y học và các vấn đề tâm linh. Dân làng thường nhờ các thầy lang xem trước tương lai và chữa bệnh. Thầy lang thường dùng các loại thực vật để chữa bệnh và làm bùa chú bao gồm: Quả bầu, quả trám, rễ cây, vỏ cây và lá cây, sừng bò, đồ trang trí bằng bùa, vỏ ốc và vỏ biển.

Hôn lễ là nghi lễ quan trọng và lâu dài đối với người Tharaka. Một người đàn ông trẻ tuổi muốn kết hôn sẽ thông báo ý định cho cha mẹ của mình. Sau đó, chàng trai sẽ lấy bia mật ong (tên gọi là “uki bwa kuromba mwariki”) để biếu cha mẹ của cô gái nhằm bày tỏ sự quan tâm của họ. Nếu cha mẹ của cô gái chấp nhận cầm bia, thì quá trình hôn lễ sẽ bắt đầu. Theo truyền thống, cô dâu phải là một trinh nữ và ở trong túp lều cách nhà chồng ít nhất 4 tháng trong thời gian đính hôn trước khi chuyển đến sống với chú rể. Phụ nữ Tharaka đã kết hôn thường đeo một chiếc vòng tay (tên gọi là “nthuku). Trước đây, bộ tộc Tharaka theo tập tục đa thê; của hồi môn đối với vợ cả là 5 con bò hoặc 60 con dê; của hồi môn đối với vợ hai là 3 con bò hoặc 30 con dê.

Ngày nay, ngành du lịch cũng khá phát triển tại khu vực người Tharaka sinh sống. Du khách thường tìm hiểu về cách sống và khám phá những truyền thống văn hóa phong phú và cổ xưa của bộ tộc Tharaka; đặc biệt là các trang phục bằng da và vỏ sò độc đáo cùng các ngôi nhà mái tranh hình nón.

Thu Minh


top