Nhiều mô hình hay trong việc phòng, chống tảo hôn ở Minh Hóa
- Tin tức thời sự
- |
- Chủ nhật, 05/11/2023 15:49 GMT+7
Biên phòng - Nỗ lực trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp chính quyền tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng nhiều mô hình hay nhằm tuyên truyền, giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Tại huyện Minh Hóa, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn xảy ra. Theo số liệu thống kê, trong năm 2021, huyện Minh Hóa có 19 cặp vợ chồng trẻ hết hôn dưới 19 tuổi bị phát hiện. Năm 2022 vẫn có nhiều cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở các bản làng vùng cao.
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền tại Minh Hóa đã nỗ lực thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các Câu lạc bộ gia đình và pháp luật, dân số - kế hoạch hóa gia đình tại 15 thôn, bản của 4 xã biên giới, bảo đảm tư vấn, can thiệp kịp thời trong phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Các ngành, đoàn thể cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng và trong các buổi dạy học ngoại khóa cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông...
Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa cũng đã xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, dân số - kế hoạch hóa gia đình ngay tại thôn, bản; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và thực thi công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Trước đây, với mục đích đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số, kế hoạch hóa gia đình, huyện Minh Hóa tổ chức mô hình giáo dục tiền hôn nhân và hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại bản La Trọng 1 (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) - một xã nằm sát biên giới Việt – Lào.
Mô hình với sự tham gia của 31 nam, nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15-20, thuộc tộc người Mày, Khùa và Mã Liềng. Nơi đây, địa bàn dân cư thưa thớt, người dân ít có điều kiện giao lưu, tiếp cận với các kiến thức về khoa học, kỹ thuật do việc đi lại khó khăn. Tình trạng anh em, chú bác, cô dì trong bản kết hôn với nhau, hay trẻ em chưa đến tuổi thành niên đã lập gia đình ở bản La Trọng còn khá phổ biến. Và hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với những tộc người có dưới 1.000 người này đó chính là những đứa trẻ được sinh ra với thể trạng lùn tịt, bị câm, điếc và mắc các bệnh di truyền.
Mô hình “Giáo dục tiền hôn nhân và hạn chế hôn nhân cận huyết thống” được ra mắt ở Bản La Trọng 1 nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới xóa bỏ các hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân, gia đình, góp phần duy trì, phát triển nòi giống và nâng cao chất lượng dân số.
Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên sẽ được cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục tình bạn, tình yêu; hiểu rõ hơn về hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Với quy chế hoạt động mỗi quý một lần, câu lạc bộ là chiếc cầu nối để những nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn ở bản La Trọng 1 có điều kiện gặp gỡ giao lưu, học hỏi, nâng cao nhận thức để thực hiện việc kết hôn theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bản làng.

Một trong những đoàn thể tích cực tuyên truyền đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn đó là sự vào cuộc rất tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa đang duy trì tốt 2 câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa với gần 100 hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Hội tích cực vận động hội viên xây dựng gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hơn nữa tại đây, có một số chi hội phụ nữ làm rất tốt công tác tuyên truyền như chi hội phụ nữ bản Y Leng, bản Ka Định, những năm gần đây, hai bản này không xảy ra tình trạng tảo hôn và cận huyết thống.
Bên cạnh đó, mới đây, vào tháng 8/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cũng tổ chức “Câu lạc bộ thủ lĩnh thay đổi và truyền thông phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” với sự tham gia của hàng chục hội viên.
Cùng với những nỗ lực tuyên truyền, các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể huyện Minh Hóa cũng đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Huyện còn chú trọng phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong cộng đồng trong công tác vận động, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh viện xây dựng các mô hình phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chính quyền huyện Minh Hóa cũng thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, hạn chế sự xâm nhập các luồng văn hóa xấu, độc.
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, huyện Minh Hóa tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng cũng như đưa thông tin này vào dạy học ngoại khóa cho học sinh; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong cộng đồng.
Tiêu Dao