Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nhiều giải pháp đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Hà Giang là tỉnh có tới 87,2% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét, với 19 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS Hà Giang đã và đang lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, trở thành giá trị di sản văn hóa của nhân loại và quốc gia. Tuy nhiên, trong cộng đồng các DTTS ở Hà Giang, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, điển hình là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở các huyện vùng cao biên giới, khu vực xa xôi hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh: CTV

Theo điều tra của tỉnh Hà Giang, trung bình cứ 1.000 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng thì có gần 11 người có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ hoặc chồng của mình. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của Hà Giang cao gấp 2,1 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Về tảo hôn, giai đoạn 2015-2020, số cặp kết hôn dưới độ tuổi quy định của pháp luật là 2.348 cặp.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở các huyện vùng cao biên giới, khu vực xa xôi hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây thường là những nơi đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt mạnh mẽ, dân cư thưa thớt nên đồng bào DTTS sinh sống cách biệt, ít có điều kiện giao lưu với các dân tộc khác và các địa phương lân cận trong vùng.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS nơi mình sinh sống, ông Ly Pà Chứ, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc cho biết, đó là do ảnh hưởng của quan niệm người trong dòng họ lấy nhau sẽ không mất của cải; hoặc vì lý do kinh tế, các gia đình cho con cái kết hôn sớm để có thêm lao động... Mặt khác, do trình độ dân trí thấp, chưa hiểu hết tác hại của việc cho con lập gia đình sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bà mẹ và trẻ em, cộng với việc tiếp cận thông tin không thường xuyên, hiểu biết và nhận thức về pháp luật của đồng bào còn hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thạo tiếng phổ thông… cũng là những nguyên nhân khiến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn có chỗ tồn tại ở vùng đồng bào DTTS.

Trước hiện trạng trên, ông Triệu Trung Hiệp, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, trên cơ sở Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều Ban hành Kế hoạch triển khai chi tiết để tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), với vai trò là cơ quan Thường trực Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hằng năm.

Quá trình triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình đều yêu cầu các cấp, các ngành phải gắn với việc thực hiện nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 1/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030. Đối với các dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân, nhóm cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu bổ sung điều kiện để đối tượng được hỗ trợ của Chương trình phải cam kết xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Đối với các dự án thành phần trực tiếp tác động đến công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, Ban Dân tộc tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn cho các cơ quan, ban, ngành được Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giao nhiệm vụ, để đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả, trong đó có Tiểu dự án 2 của Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, các cơ quan đã tích cực triển khai nhiệm vụ dự án gắn với thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU. Trọng tâm là tổ chức các hội nghị tuyên truyền, cung cấp áp phích tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống…

Xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi đăng ký kết hôn. Ảnh: CTV

Cùng với Ban Dân tộc tỉnh và các cấp, các ngành chức năng, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và lồng ghép vào các ngày diễn ra các sự kiện về dân số như: Ngày Dân số Thế giới (11/7); Tháng hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12), Ngày dân số Việt Nam. Các hoạt động truyền thông được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa về hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tiến tới đẩy lùi tình trạng này, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và phong tục tập quán của đồng bào, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của tỉnh Hà Giang đang từng bước có sự chuyển biến theo hướng tích cực.

Bà Trần Thị Yến Nga, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã giảm; nhiều thôn bản đã xóa bỏ được hủ tục này. Toàn tỉnh còn 197 cặp tảo hôn, 5 cặp hôn nhân cận huyết thống; các cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động, can thiệp hoãn hôn lễ được 330 cặp không vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

Để củng cố thành quả đã đạt được và tiếp tục giảm thiểu mạnh mẽ tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai lồng ghép kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II) và một số dự án, đề án, kế hoạch liên quan khác đã và đang được các ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; duy trì hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ dân vận thôn, tổ dân phố; chỉ đạo cán bộ cơ sở nắm cụ thể từng hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn để có giải pháp cụ thể vận động nhân dân thực hiện. Mỗi xã, thị trấn triển khai xây dựng thêm 1 khu dân cư kiểu mẫu…

Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến hết năm 2025, có 75% trở lên các gia đình nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu. Đến năm 2030, cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh.​​

Hà Mi


top