Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong vấn đề đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025) và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ” của Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025, tình trạng tảo hôn ở Phú Yên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

BĐBP Phú Yên tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình cùng các bộ luật khác cho học sinh. Ảnh CTV

Lý giải nguyên nhân trên, ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Một bộ phận không nhỏ trong đồng bào DTTS, nhất là đồng bào sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hạn chế về trình độ văn hóa và phương tiện đi lại, rào cản về ngôn ngữ nên việc tham gia các hoạt động tuyên truyền, tiếp cận kiến thức hôn nhân và gia đình còn hạn chế. Việc quản lý con em của phụ huynh còn chưa được chú trọng, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường về việc quản lý học sinh chưa chặt chẽ, sự phát triển của Internet, mạng xã hội,... đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh khi có sự du nhập của các văn hóa ngoại lai, lối sống thử, mang lại hệ lụy nghiêm trọng dẫn đến tảo hôn.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa có biện pháp xử lý mạnh, thiếu tính răn đe khi có các trường hợp đăng ký kết hôn không đúng độ tuổi, cận huyết thống hay sinh con mà chưa đăng ký khai sinh tại nơi cư trú. Mặc khác, các cán bộ trực tiếp tham gia mô hình điểm ở các thôn, xã được tập huấn, trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình phần lớn là cán bộ phụ trách công tác dân tộc, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên phần nào có ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Chương trình.

Được biết, để giải quyết thực trạng trên, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đề xuất với các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu truyền thông phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào tại từng địa phương, tăng cường giải pháp để đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ tuyên truyền, báo cáo viên các cấp. Xây dựng và quyết định các chính sách, biện pháp phù hợp thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí, nhận thức của đồng bào DTTS ở địa phương. Quan tâm, chú trọng đến việc chỉ đạo, theo dõi các sở, ban, ngành trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đối với các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư Lệnh BĐBP, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Phụ nữ,…), phối hợp trong công tác thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng các chính sách phù hợp, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Được biết, việc triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” theo Quyết định 498/QĐ-TTg và Tiểu Dự án 9.2 đã giúp nâng cao kiến thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc tại các địa bàn triển khai mô hình trong việc áp dụng và thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở địa phương.

Các mô hình điểm được triển khai góp phần quan trọng làm giảm nhanh tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giảm số học sinh bỏ học kết hôn sớm; giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật, bệnh tật… do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên và hôn nhân cận huyết thống, làm giảm tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước.

Theo ông Phương, từ kinh nghiệm của địa phương, cần quán triệt vai trò của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Sự cam kết, thái độ tích cực, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công tác này. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bố trí đủ ngân sách cho thực hiện nội dung của Đề án 498 và Dự án 9.2, bố trí đủ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động; bảo đảm thu thập số liệu chính xác, trung thực về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường trách nhiệm giải trình của từng địa phương, đơn vị, cá nhân trong triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong triển khai nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cần có chế tài đối với các địa phương, đơn vị không thực hiện đúng các quy định....

Cẩm Linh


top