Nét văn hóa đặc trưng của người dân Lào trong lễ hội Thatluang
- Vòng quanh thế giới
- |
- Thứ tư, 09/11/2022 14:06 GMT+7
Biên phòng - Trong quan niệm của người Lào, Thatluang không chỉ là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất, là nơi hội tụ tình đoàn kết của người dân các dân tộc Lào, mà còn là nơi mà người dân Lào phải đến trong đời.
Đạo Phật được coi là Quốc đạo của nước này và hầu như tháng nào trong năm cũng có lễ hội Phật giáo. Trong số đó, Boun Thatluang (Lễ hội Thạt Luổng) là lễ hội tôn giáo lớn nhất tại Lào, được tổ chức thường niên vào Rằm tháng 12 theo Phật lịch tại thủ đô Vientiane và đây cũng là lễ hội thu hút hàng triệu Phật tử, người dân và du khách trong và ngoài nước cùng quan tâm và tham dự.
Lễ hội được tổ chức tại Pha Thatluang, ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở Lào. Tọa trên khu đất cao rộng và bằng phẳng ở phía Đông thủ đô Vientiane, Thatluang được coi như là một biểu tượng văn hoá tiêu biểu cho óc sáng tạo của người Lào.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVI khi Vương quốc Lanexang (Triệu Voi) dời đô từ Luang Prabang về Vientiane.
Tương truyền, Pha Thatluang là một trong số ít những chùa chiền đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập Niết Bàn.
Khi đạo Phật trở thành quốc đạo và Vientiane thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, nhà Vua Setthathilath đã cho tu bổ lại Thatluang bằng cách xây bọc lên ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay.
Tháp có bệ hình vuông, phía Bắc và Nam mỗi bề rộng 68m, phía Đông và Tây mỗi bề rộng 69m, xung quanh được trang trí bởi 332 hình lá bồ đề cách điệu.
Ngoài tháp chính cao 45m, còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật Thích ca với 30 năm tu hành gian khổ của người để trở thành Phật. Trên các tháp nhỏ này có đắp những hàng chữ Bali nổi ghi các lời răn của đức Phật.
Trong quan niệm của người Lào, Thatluang không chỉ là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất, là nơi hội tụ tình đoàn kết của người dân các dân tộc Lào, mà còn là nơi mà người Lào, dù là dân thường hay nhà sư đều cần phải đến, nếu trong cuộc đời mà chưa dự Boun Thatluang thì chưa phải là người Lào.
Lễ hội Thatluang năm nay bắt đầu từ chiều 4/11 và kéo dài liên tục cho tới hết ngày 8/11. Các nghi lễ Phật giáo chính được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 7-8/11 tức ngày 14-15/12 theo Phật lịch Lào.
Một trong những nét chính của phần lễ hội Thatluang là lễ rước Phasatphueng từ chùa Simueng tới chùa Thatluang.
Phasatphueng là một mô hình kiến trúc đền thờ được làm bằng chất liệu xốp, xung quanh gắn hoa làm bằng sáp ong màu vàng rực rỡ.
Trên chóp cắm 9 bông hoa sen trắng, xung quanh tháp có các tua dây kết hoa hoặc tiền bạc có ý nghĩa giống như tập tục đốt vàng mã cho người đã khuất ở Việt Nam.
Khi đến Thatluang, những người rước sẽ khiêng Phasatphueng đi vòng quanh chủa 3 vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ và được sư thầy tiếp nhận lễ vật với hình thức trang trọng, nghiêm cẩn, thành kính.
Theo tục lệ thì mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức hay mỗi gia đình… đều có thể cùng nhau rước và cúng chung một Phasatphueng.
Sau hơn 2 năm không tổ chức do đại dịch Covid-19, lễ hội năm nay được tổ chức trở lại trong niềm vui hân hoan của người dân.
Từ sáng sớm ngày 8/11 tức 15/12 theo Phật lịch Lào, hàng nghìn chư tăng ni, phật tử và người dân từ khắp nơi trên cả nước Lào cùng đổ về sân quảng trường Thatluang để tham gia lễ Xaybat (Cúng dường) cho các nhà sư về tham dự lễ hội Thatluang.
Chị Keo Sihakhek, người dân thủ đô Vientiane, cảm thấy rất vui khi lễ hội được tổ chức trở lại. “Mừng lắm, không thể nói hết được sự mừng vui của chúng tôi khi lễ hội Thatluang được tổ chức trở lại, bởi với chúng tôi, đây là phong tục tập quán truyền thống, không thể bỏ và không được phép quên.”
Không chỉ thu hút hàng trăm nghìn nhà sư và phật tử trên khắp cả nước, các nét đẹp văn hóa truyền thống của Boun Thatluang cũng thu hút sự quan tâm của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Lào cũng như du khách nước ngoài muốn khám phá các phong tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Lào.
Anh Antti Henlin, người Phần Lan đang sinh sống tại Lào cho biết, thường ngày Thatluang rất yên bình nhưng hôm nay lại rất sôi động với rất nhiều hoạt động văn hoá truyền thống.
Hầu hết người dân Lào, không chỉ ở Vientiane mà ở các tỉnh khác cũng về đây để tham dự lễ hội.
Ông Clement Cheang, người Singapore tại Lào, chia sẻ lễ hội Thatluang giúp gắn kết mọi người, đó là chiều sâu của văn hoá Lào và việc tham dự lễ hội này hàng năm sẽ giúp hiểu hơn về văn hóa Lào.
Trong Lễ hội Thatluang năm nay, ngoài phần lễ theo tín ngưỡng tôn giáo còn có Hội chợ thương mại trưng bày và mua bán hàng hoá trong ngoài nước và được tổ chức từ ngày 4/11.
Trong hàng nghìn gian hàng triển lãm gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và lương thực thực phẩm…
Đây là các mặt hàng của các tổ chức, đơn vị, địa phương trên toàn đất nước Lào và có cả các gian hàng của các nước láng giềng, trong đó có một khu trưng bày hàng hóa của thủ đô Hà Nội gồm rất nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm…
Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, việc tổ chức Lễ hội Thatluang ở quy mô thậm chí còn lớn hơn trước Covid không chỉ giúp người dân được thực hiện đức tin mà còn là nhằm mục đích thu hút khách du lịch, phục hồi ngành dịch vụ, qua đó giúp khôi phục lại nên kinh tế sau đại dịch.
Theo TTXVN