Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Biên phòng - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Tiểu Dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giảm đáng kể qua từng năm.

Thúy Hạnh

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Thuận Nam, bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các hội viên phụ nữ tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: CTV

Là tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, toàn tỉnh Bình Thuận có 35 dân tộc, với tổng số dân toàn tỉnh là 1.258.788 người. Trong đó, có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), với 105.295 người, chiếm tỷ lệ trên 8%. Đồng bào các DTTS sống xen kẽ rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơro sống tập trung ở 4 xã và 9 thôn xen ghép ở các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 2 xã và 2 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Do vậy, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể, các chính sách an ninh xã hội, hoạt động văn hóa - thể thao luôn được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện, nhất là công tác định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh là người DTTS ngày càng được chú trọng.

Cơ sở y tế ở địa phương được quan tâm nâng cấp về trang thiết bị khám chữa bệnh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng có xu hướng ngày càng giảm. Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS khá ổn định, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại trong đồng bào DTTS, do thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế. Nhiều em sau khi học hết trung học cơ sở không học tiếp mà ở nhà làm nương, rẫy. Một số em đi làm ở các thành phố lớn rồi tự tìm hiểu bạn gái, dẫn tới quen biết rồi sống chung như vợ chồng, khi có thai mới trở về quê để sinh đẻ… Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, năm 2022, toàn tỉnh có 65 trường hợp tảo hôn, riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 32 trường hợp tảo hôn.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ then chốt của tỉnh. Nhằm nâng cao nhận thức vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động truyền thông Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn II (2021-2025).

Tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được phát đến tận tay người dân ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: CTV

Kết quả, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã thực hiện 369 cuộc truyền thông cho 9.775 lượt người; tổ chức 48 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 3.904 người; tổ chức 314 cuộc tư vấn cho 4.677 người. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng 12 chương trình phát thanh và tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở các xã, thôn.

Nhằm góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai các mô hinh kết nghĩa giữa 17 sở, ngành, lực lượng vũ trang, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể cấp tỉnh với 17 xã vùng đồng bào DTTS và 37 thôn xen ghép tổ chức 142 buổi tuyên truyền/33.255 lượt người.

Tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số. Các nguồn tài liệu để tuyên truyền được tập hợp trên cơ sở các tài liệu do Ủy ban Dân tộc cung cấp và phát 24.488 tờ rơi, áp phích tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng các mô hình can thiệp điểm và các mô hình chuyên đề (hiện tỉnh đang duy trì được 40 mô hình can thiệp, trong đó 37 mô hình cũ, 3 mô hình mới). Hoạt động của các mô hình tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao chủ yếu tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi.

Tỉnh cũng thành lập các điểm truyền thông, tăng cường tiếp cận thông tin của người dân tư vấn về sinh sản, sức khỏe giới tính cho đối tượng thanh thiếu niên vùng đồng bào DTTS. Để nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia thực hiện đề án, tỉnh đã tổ chức được 48 hội nghị tập huấn cho 3.094 cán bộ về kinh nghiệm triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ông Nguyễn Minh Tân: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân trí, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Thúy Hạnh


top