Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

“Mùa Chôl Chnăm Thmây nào cũng là những mùa vui”

Biên phòng - Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều đổi thay, các chương trình mục tiêu như làn gió mới đầy sức sống thổi vào từng phum, sóc, để mùa Chôl Chnăm Thmây nào cũng là những mùa vui.

Không khí đón Tết Chôl Chnăm Thmây tại chùa Chén Kiểu, huyện Mỹ Xuyên. Ảnh: Hồng Diễm

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, Sóc Trăng luôn có sự quan tâm đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng đồng bào DTTS. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương quản lý.

Điển hình là thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” đến năm 2025 với 15 dự án, gồm 4 dự án ODA và 11 dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; thực hiện các dự án dạy nghề, giải quyết việc làm cho trên 17 nghìn người; dự án tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã đến được gần 5 nghìn hộ DTTS để đồng bào đầu tư sản xuất; điện hóa và lắp đặt miễn phí đồng hồ nước sinh hoạt cho hơn 1 nghìn hộ DTTS.

Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS gặp khó khăn do đại dịch. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương và của tỉnh, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm, đồng bào phật tử ủng hộ Quỹ Covid-19, với tổng số tiền trên 27 tỉ đồng, qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Việc triển khai thực hiện các chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của đồng bào, nhất là ở vùng xa, giúp cho đồng bào DTTS có điều kiện phát huy nội lực để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, có điều kiện cải thiện và nâng cao hơn chất lượng cuộc sống. Kết quả, trong năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,95% (giảm 0,7% so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 2,85% (giảm 0,93% so với năm 2020) theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Tăng Duyên, người có uy tín xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu khoe: “Năm nay, không chỉ riêng tôi mà bà con ở xã Lạc Hòa đón Tết trong niềm vui khôn tả. Phấn khởi lắm, khi xã tôi vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này là sự nỗ lực của chính quyền và toàn thể nhân dân địa phương. Sự đầu tư các chính sách dân tộc đã mang lại đời sống tốt đẹp cho đồng bào, diện mạo phum, sóc đang thay đổi từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện”.

Trong không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, có dịp về các phum, sóc, hay các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, chúng ta dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, nô nức của bà con, các vị chư tăng chuẩn bị đón Tết cổ truyền thật đầm ấm, vui tươi.

Để thể hiện sự quan tâm đến đồng bào, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều đoàn đến chúc Tết, thăm hỏi và tặng quà cho bà con. Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức các buổi họp mặt, chúc Tết để gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Những cái bắt tay thật chặt như khẳng định, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng sẽ luôn kề vai sát cánh đưa quê hương ngày càng phát triển, để đồng bào có nhiều hơn nữa những cái Tết đầm ấm, hạnh phúc.

Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Văn Long

Ông Lâm Chel, người có uy tín huyện Châu Thành xúc động nói: “Không chỉ dịp Tết, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến đời sống mọi mặt của đồng bào, bằng chứng là rất nhiều chính sách, dự án được thực hiện giúp đồng bào thoát nghèo, có nhà ở, có việc làm... Bà con rất phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo này của địa phương”.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Qua đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo đến năm 2021 giảm còn 2,61%. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Đến nay, có 26/63 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy.

Sóc Trăng xác định, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng phục vụ sản xuất, đời sống.

Tận dụng lợi thế, nét riêng biệt của địa phương có đông đồng bào Khmer để phát triển những sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp, tiến bộ. Tập trung huy động nguồn lực xã hội tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS như: sân khấu dù kê, múa rô băm, nhạc ngũ âm, múa rom vong, lễ hội Oóc om bóc - đua ghe ngo, di tích lịch sử văn hóa các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa...

Một mùa Tết Chôl Chnăm Thmây nữa lại đến, các phum, sóc đang tưng bừng trong tiếng nhạc, rộn rã những lời ca tươi vui và những đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương ân cần thăm hỏi, chăm lo cho đồng bào đón Tết sung túc, ấm áp, đủ đầy.

Hồng Diễm


top