Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Không còn hôn nhân cận huyết thống, giảm mạnh tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Với tinh thần “Trẻ em gái không phải là cô dâu”, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Năm 2023, trên địa bàn tỉnh không còn hôn nhân cận huyết thống; tảo hôn giảm mạnh.

Đối thoại chính sách về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng trẻ em giữa hội viên phụ nữ và trẻ em với lãnh đạo xã Gia Bắc, huyện Lâm Hà. Ảnh: CTV

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lâm Đồng gồm có 451 thôn, 78 xã, 10 huyện. Đồng bào DTTS chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh.

Ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, nhóm đồng bào DTTS gốc tại địa phương (Cơ Ho, Mạ, Churu) vẫn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống với hình thức chủ yếu là con bà cô lấy con ông cậu. Nguyên nhân chính là do đồng bào không muốn tài sản của gia đình mình, của dòng họ mình “rơi vào tay người khác, dòng họ khác”. Ngoài ra, đồng bào cũng có tập tục phải có nhiều con, nhiều cháu nên xảy ra tình trạng tảo hôn. Đối với nhóm đồng bào DTTS di cư từ các tỉnh khác đến sinh sống ở Lâm Đồng chủ yếu xảy ra tình trạng tảo hôn, với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân cần người để lao động. Tập tục lạc hậu trên đã ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhiều thế hệ qua.

Trước thực trạng trên, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thành lập Ban chỉ đạo các cấp (xã, huyện, tỉnh) do một lãnh đạo UBND cùng cấp làm Trưởng ban và trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan làm thành viên. Đồng thời đẩy mạnh biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS.

Ngoài các hoạt động chủ đạo do Ban Dân tộc tỉnh thực hiện, UBND các huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc hoặc cơ quan phụ trách công tác dân tộc phối hợp với Phòng Tư pháp, Y tế… lồng ghép với các chương trình tuyên truyền, vận động khác để cùng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ phong tục tập quán không còn phù hợp trong đời sống hiện nay, trong đó có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng được 138 mô hình điểm “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 64 xã, 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú cấp huyện, tỉnh. Hình thức hoạt động của các mô hình điểm rất linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng trường, từng địa phương như: thi đố em và sân khấu hóa tìm hiểu về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các trường học; tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép với cuộc họp của thôn, xóm…

Bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, đa số cán bộ và nhân dân vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đã được tuyên truyền kiến thức pháp luật về lĩnh vực hôn nhân gia đình, bình đẳng giới… Do vậy, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới được nâng cao; tạo sự đồng thuận trong xã hội tích cực ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm 2023, ở Lâm Đồng không còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống và giảm nhiều về tình trạng tảo hôn.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ tình trạng tảo hôn là rất khó khăn, vì đây là thói quen, là phong tục tập quán được duy trì và thực hiện một cách tự giác từ nhiều thế hệ nên không thể trong một sớm, một chiều có thể làm thay đổi nhận thức và hành vi của đồng bào ngay được mà cần phải kiên trì thường xuyên theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

“Không nên tổ chức hội nghị tuyên truyền theo từng làng, từng xã vì như thế hiệu quả rất thấp, nên tập trung đối tượng cần tuyên truyền về trung tâm huyện hoặc tỉnh. Tại đây, nhiều người, nhiều dòng họ, nhiều dân tộc cùng tham dự; được trao đổi, so sánh phong tục, tập quán với người khác, dòng họ khác, dân tộc khác. Từ đó, giúp họ nhận thức được sâu sắc hơn những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi hành vi trong hôn nhân gia đình” - ông Dơ Woang Ya Gương đề xuất.

Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền nên bằng song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS. Như vậy sẽ giúp đồng bào hiểu nhanh hơn những vấn đề cần loại bỏ, những vấn đề cần duy trì trong hôn nhân gia đình. Đội ngũ báo cáo viên hoặc tuyên truyền viên phải được chọn lựa và bồi dưỡng chu đáo, đảm bảo am hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc, biết nói tiếng dân tộc, có khả năng lý giải các vấn đề liên quan bằng tiếng dân tộc để tránh xảy ra tình trạng tự ái dân tộc, đồng bào không hợp tác và hội nghị tuyên truyền không thành công.

Hội thi bằng hình thức sân khấu hóa tuyên truyền vận động xóa bỏ phong tục, tập quán không còn phù hợp ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh. Ảnh: CTV

Thực tế cho thấy, ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm và có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phát huy được vai trò của các vị người có uy tín, chức sắc trong vùng đồng bào DTTS thì nơi đó tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ không xảy ra.

Hiện nay, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp vào Tiểu dự án 9.2, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các nhiệm vụ trong Tiểu dự án 9.2, năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảm thiểu “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị và Gia Lai; tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DTTS và miền núi cho khoảng 500 đại biểu tại thành phố Bảo Lộc. Dự kiến, cuối tháng 12, sẽ tổ chức hội thi tìm hiểu về chủ đề này, phấn đấu giải ngân đạt 100% kinh phí được cấp để thực hiện Tiểu dự án 9.2 là 3,455 tỷ đồng.

Với tinh thần “Trẻ em gái không phải là cô dâu”, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình bằng tiếng Việt và tiếng DTTS Cơ ho, Churu, Mạ. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS. Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Hà Mi


top