Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Hướng Hóa nỗ lực kéo giảm nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Biên phòng - Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực để kéo giảm tình trạng này.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ nỗ lực tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn tại địa phương. Ảnh: Tiêu Dao

Hướng Hóa là huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, có khoảng 80% đồng bào DTTS Pa Cô, Vân Kiều sinh sống. Tình trạng trẻ tảo hôn, bỏ học, mang thai sớm diễn ra nhiều năm nay trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2016-2020, huyện Hướng Hóa tỷ lệ tảo hôn tập trung chủ yếu tập trung ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS với tỷ lệ tảo hôn dao động từ 16,6% đến 21,36%; tổng số các cặp tảo hôn là 692 cặp. Trong khi đó, năm 2021 có 122 cặp tảo hôn, chiếm 30,27%, trong đó có 5 cặp tảo hôn cả vợ và chồng. Những địa phương có số cặp tảo hôn đáng báo động như: Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh, các xã Thanh, Thuận, Lìa, Hướng Linh…

Thời gian qua, các các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Các trường hợp tảo hôn chủ yếu là người đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Cô.

Mới đây nhất, vào tháng 7/2023, UBND xã Lìa (huyện Hướng Hóa) ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông H.T.L (45 tuổi, trú tại thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) vì hành vi tảo hôn khi tổ chức cho con lấy vợ chưa đủ tuổi. Theo đó, UBND xã Lìa phát hiện, vào năm 2022, ông L. tổ chức lễ kết hôn cho con trai của mình. Tuy nhiên cô dâu (sinh năm 2005) khi đó chỉ mới 17 tuổi. Sau đó, UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực hôn nhân, gia đình và xử phạt ông L. với số tiền 1,5 triệu đồng.

Theo UBND xã Lìa, năm 2022 tại địa phương này có 8 trường hợp vi phạm tảo hôn, tổ chức tảo hôn. Thế nhưng, chỉ mới 6 tháng đầu năm 2023, có đến 18 trường hợp vi phạm tảo hôn, tổ chức tảo hôn; trong đó, địa phương này đã xử phạt hành chính 13 trường hợp.

Xác định công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh (đặc biệt là nạn tảo hôn) và hôn nhân cận huyết thống là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, Huyện ủy, UBND huyện Hướng Hóa đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm bình quân 10 đến 15%/năm số cặp tảo hôn đối với địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS. Trong đó, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021-2025”.

Đề án đề ra các giải pháp tích cực như tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tảo hôn thông qua các nghị quyết, kế hoạch và cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng xã, thị trấn. Phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, trong đó có những hủ tục liên quan đến tảo hôn.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hướng Hóa trình bày quan điểm của mình về vấn về tảo hôn và HNCHT. Ảnh: Tiêu Dao

Theo bà Hồ Thị Minh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc tuyên truyền, vận động và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn là chính. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn.

Thời gian qua, các các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT. Từ năm 2016-2021, tổng số trường hợp tảo hôn giảm được 57 trường hợp. Năm 2016 là 232 trường hợp, năm 2021 là 175 trường hợp. Trong 4 năm liền, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp HNCHT.

Cũng theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, trong 5 năm qua từ 2017-2022, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, chính quyền địa phương, Công an các địa phương phối hợp các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình với hơn 200 cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT cho hơn 600 lượt người; thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn, bản không tảo hôn. Một số địa phương đã đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa như các thôn Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa); thôn Thanh 1 (xã Thanh, huyện Hướng Hóa)... xây dựng quy ước “Thôn không có tảo hôn”.

Chính quyền các cấp tại huyện Hướng Hóa vẫn đang nỗ lực thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Tiêu Dao


top