Hiệu quả từ mô hình dòng họ xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Mèo Vạc
- Chính sách Dân tộc - Tôn giáo
- |
- Thứ ba, 05/09/2023 20:01 GMT+7
Biên phòng - Mèo Vạc là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Hà Giang. Huyện có 18 xã, thị trấn và 199 thôn tổ dân phố với tổng trên 92.000 người, với 17 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 78%. Đói nghèo thường đi liền với lạc hậu và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT). Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn tới các mô hình dòng họ xóa bỏ hủ tục, tảo hôn, HNCHT nên từng bước đã làm cho nhận thức của người dân, được chuyển biến theo hướng tích cực.
Theo UBND tỉnh Hà Giang, nhiều hủ tục suốt một thời gian dài đã ăn sâu vào tiềm thức của thế hệ người dân, là rào cản lớn đối với sự phát triển. Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện có tổng số 34 cặp tảo hôn.
Với quan điểm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, những phong tục tập quán hay, ý nghĩa tốt đẹp nên được duy trì, phát huy và ngược lại, những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ, mô hình dòng họ xóa bỏ hủ tục đã phát huy hiệu quả. Nên khi Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy Hà Giang được ban hành, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo 18 xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện nhiều phần việc cụ thể, thiết thực tạo thành phong trào xóa bỏ hủ tục sôi động, lan tỏa rộng khắp đến từng thôn, bản, gia đình.
Cùng với các nội dung, mô hình hoạt động hiệu quả như tổ dân phố xây dựng quy chế hoạt động bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong các dòng họ, địa phương cũng thành lập các mô hình dòng họ xóa bỏ hủ tục, tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và nhiều thứ tiếng khác nhau, sử dụng hình thức sân khấu hóa để mang lại hiệu quả. Điển hình như thôn Sủng Lủ, xã Lũng Trinh, dòng họ Sùng có 63 hộ, 323 khẩu, trưởng dòng họ là ông Sùng Chứ Mua. Từ ngày thành lập mô hình dòng họ xóa bỏ hủ tục, các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin, kết nối tình cảm, mọi công việc lớn nhỏ của dòng họ đều được đưa ra bàn bạc dân chủ, thống nhất rồi mới tổ chức thực hiện.
Được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của các đảng viên, toàn thể dòng họ Sùng đã họp bàn thống nhất đám cưới tổ chức không quá 1 ngày. Con em trong dòng họ nói không với tảo hôn, HNCHT. Thay vì như trước kia, một số em phải bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm khi vẫn đang còn là trẻ vị thành niên thì giờ đây, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học của dòng họ Sùng đều được đến trường. Ông Sùng Mí Mua, ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh bày tỏ: “Trong việc tuyên truyền, ban đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi phải đi nhiều lần, phải thuyết phục bằng được. Trong dòng họ chúng tôi, những người là cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu đi trước để người dân thực hiện theo”.
Tại xã Pả Vi, dòng họ Ly cũng là một trong những dòng họ làm tốt việc bài trừ các hủ tục trên địa bàn. Tuy tuổi đã cao tuổi, nhưng trưởng dòng họ Ly, ông Ly Mí Ná, ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi luôn tâm niệm, trong cuộc sống, bản thân mình phải thực sự gương mẫu để con cháu trong họ noi theo.
Tất cả từ việc nhỏ đến lớn trong gia đình hay dòng họ, đều được ông triệu tập con cháu để xin ý kiến, rồi mới đưa ra quyết định. Cho dù đó là việc hiếu hay việc hỉ, từ những quy ước, hương ước của thôn, dòng họ Ly cũng đã xây dựng những quy định rất cụ thể cho dòng họ. Cụ thể, con em trong dòng họ khi lấy vợ, lấy chồng không được tảo hôn, ép gả, không được thách cưới cao...
Trên đây là 2 trong số 38 dòng họ dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang thực hiện tốt việc dòng họ bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Hiện nay, toàn huyện Mèo Vạc đã thành lập được 199 tổ vận động ở 199 thôn, tổ dân phố; lựa chọn 38 dòng họ ở 38 xã, thị trấn xây dựng quy chế hoạt động và đưa nội dung xóa hỏ hủ tục vào quy chế của dòng họ. Cùng với đó là ra mắt dòng họ xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, các dòng họ đã ký cam kết thực hiện.
Cũng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ địa phương mà em Thò Thị Pà, sinh năm 2008, ở xã Tà Lủng đã tránh được tình trạng tảo hôn. Em Thò Thị Pà là một trong 8 trường hợp đã quay về sống với gia đình để tiếp tục đi học. Khi ấy, Pà mới 15 tuổi, em đã về sống ở nhà bạn trai tại xã khác. Em Pà chia sẻ: “Do còn thiếu hiểu biết, bản thân em chưa nhận thức được sự vất vả khi lấy chồng sớm nên khi được cán bộ xã, thôn xuống tuyên truyền, em đã hiểu ra và trở về nhà”. Em Pà cũng khuyên những bạn bè không nên lấy chồng khi chưa đủ tuổi.
Theo UBND xã xã Tả Lủng, trước đây, sau mỗi dịp Tết, xã thường có trên 10 vụ tảo hôn. Nhưng từ khi thực hiện Nghị quyết 27 và Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn, HNCHT được thành lập, với sự vào cuộc của đội ngũ người có uy tín trong dòng họ tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” trong các buổi họp thôn và đến từng hộ dân, hiện không còn phát sinh thêm trường hợp tảo hôn nào.
Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi, ông Lê Văn Quý nói: “Nhận thức được tác hại của hủ tục, 100% gia đình, dòng họ phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 80% hộ gia đình xóa bỏ hủ tục, tổ chức đám cưới văn minh, không có con em tảo hôn, HNCHT. 100% con em của dòng họ được đi học. Đồng thời, dòng họ cũng vận động các gia đình trong thực hiện nếp sống mới, phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo”.
Hiệu quả xóa bỏ hủ tục gắn với xây dựng nếp sống văn minh của các dòng họ ở huyện Mèo Vạc đã từng bước góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Thúy Hạnh