Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

“Hãy để tảo hôn lùi lại phía sau”

Biên phòng - Từng bị ép cưới từ năm 13 tuổi, H’Hen Niê nung nấu khát vọng của mình để rồi nhờ nỗ lực và quan trọng nhất chính là kiên quyết nói không với tảo hôn, mà Hen đã gặt hái được thành công. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho những cô gái dân tộc thiểu số vị thành niên.

Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê cùng các bạn trẻ tuyên truyền thông điệp "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" (năm 2019). Ảnh: Thúy Hạnh

H’Hen Niê là cô gái dân tộc Ê Đê, sinh năm 1992, là con thứ 3 trong một gia đình nông dân khó khăn, có đông anh chị em ở buôn Sứt M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Như bao đứa trẻ nghèo ở buôn làng, khi còn nhỏ, Hen cũng phải giúp bố mẹ nhặt củi, chăn bò, làm thuê và làm rẫy cà phê của gia đình. Cuộc sống khổ cực, vất vả khiến H’Hen Niê sớm có ý thức học hành. Vì thế, dù đường xa, đi lại khó khăn, trời mưa hay nắng, H’Hen Niê vẫn đến trường đều đặn, không nghỉ buổi học nào.

Khi ấy, buôn làng vẫn còn nhiều hủ tục. Theo tập tục truyền thống của người Ê Đê, những trẻ em gái tới tuổi vị thành niên đều phải lập gia đình. Không phải là ngoại lệ, khi H’Hen Niê 13 tuổi, bố mẹ muốn cô bỏ học để lấy chồng. “Mẹ rất ít động viên tôi đi học, mà chỉ nghĩ có anh chàng nào trong buôn làng thích thì bắt đầu đi hỏi cưới. Thời gian đó khiến tôi bị ám ảnh, nhất là khi mẹ hay nói câu nghỉ học đi, tốn tiền quá rồi và nhà nhiều thứ phải lo quá” - Hen chia sẻ.

Mỗi khi mẹ nhắc đến chuyện lấy chồng, cô thường lảng đi chỗ khác để mọi chuyện lắng xuống. Cô nói tiếp: “Tôi nhớ rất rõ khi tôi 13 tuổi, mẹ bảo bà lo lắng quá, vì đến giờ tôi vẫn chưa có người yêu, còn cùng lứa với tôi đã có đôi có cặp cả rồi. Lúc đó, tôi không nghĩ tới chuyện yêu đương, quyết tâm đi học”.

Chọn tương lai, khát khao thoát khỏi cuộc sống khổ cực, H’Hen Niê chăm chỉ học. Do lo Hen khó lấy được chồng, một lần nữa mẹ lại bắt Hen thôi học khi Hen đang học lớp 12.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, việc đi học đã khó, học lên cao còn khó hơn. Nhận thấy quyết tâm đi học của con, bố mẹ cô cũng không phản đối nữa mà lo lắng, hỗ trợ cho cô: “Bố mẹ không có điều kiện. Mẹ có một ít và đi vay mượn thêm để cho con đi học ở thành phố”.

Dành được sự đồng thuận, ủng hộ của bố mẹ, H’Hen Niê đã vươn lên học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Để trang trải kinh phí trong thời gian học, cô đã phải trải qua nhiều công việc như làm giúp việc, phát tờ rơi, nhân viên chạy bàn…

Thời gian này, có một anh chàng người dân tộc Ê Đê đem lòng thích, Hen kể: “Lần đó, tôi có nói với bố mẹ, có một anh thích con. Bố có vẻ không thích lắm vì tôi đang đi học. Bố muốn tôi tập trung vào việc học tập. Còn mẹ, khi tôi trở về nhà, mẹ tự đi tìm hiểu anh chàng kia là ai. Mẹ còn ra buôn của người ta tặng gạo. Khi mẹ biết con có người yêu thì chỉ hối thúc con gái về nhà và lấy chồng”.

Tuy nhiên, sở thích của H’Hen Niê là thích làm người mẫu, với mục tiêu lớn nhất của cô khi tham gia cuộc thi hoa hậu, chính là được truyền cảm hứng cho những cô gái dân tộc Ê Đê. “Tôi muốn họ có những suy nghĩ tích cực, định hướng mới trong tương lai, trở thành những cô gái mạnh mẽ, cá tính và biết vươn lên” - H’Hen Niê bộc bạch.

Cơ hội đã đến với cô vào năm 2014, nhờ duyên gặp gỡ với nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Điều này đã giúp H’Hen Niê chính thức bước vào nghề làm người mẫu. Năm 2017, H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, ở độ tuổi 25 với vẻ đẹp toát ra từ phong cách giản dị, chân thành. Kể từ khi H’Hen Niê đăng quang, mẹ của cô cũng đã thay đổi, không còn hối thúc con gái lấy chồng như trước. Bây giờ, mẹ còn khẳng định, chuyện lấy chồng tùy cô quyết định.

Báo chí nước quốc tế đã dành nhiều lời tốt đẹp khen ngợi H’Hen Niê. CNN của Philippines có bài: “Hoa hậu Việt Nam tiếp tục quyến rũ người dân Philippines với vẻ ngoài mạnh mẽ, câu chuyện đầy nghị lực”. Không chỉ có vậy, hơn thế nữa, cô cũng luôn được yêu mến bởi những suy nghĩ tích cực với nhiều hoạt động thiện nguyện ở khắp nơi.

Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê - Người truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên, cho các cô gái dân tộc thiểu số vị thành niên. Ảnh: Thúy Hạnh

Qua câu chuyện của mình, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018, H’Hen Niê đã có câu nói truyền cảm hứng mạnh mẽ tới mọi người: “Tôi đến từ một dân tộc thiểu số, thay vì tảo hôn, tôi đã lựa chọn đi học. Tôi làm được, bạn cũng làm được”.

Năm 2020, trong Dự án: “Trẻ em không phải là cô dâu” triển khai tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang mà Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê được chọn làm Đại sứ, em Sìn Thị Liên, người dân tộc Pà Thẻn cho biết: “Em đã từng suýt nữa thì lấy chồng rồi. Nhưng khi nghe tuyên truyền về bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn tảo hôn, em đã nhận thức ra không nên kết hôn sớm, khi đến tuổi trưởng thành em cũng sẽ lấy chồng”.

Những thành tích của Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đã mang đến một thông điệp cho những cô gái trẻ dân tộc thiểu số tự tin tìm con đường riêng của mình. Hãy để tảo hôn lùi lại phía sau. Không phải lấy chồng sớm theo tục lệ là con đường duy nhất và cả khi họ không có làm da trắng, hay có một xuất phát điểm thuận lợi, họ vẫn đẹp nhất khi là chính mình.

Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có những ước mơ riêng và đừng cam chịu. Yếu tố thành công không có gì khác ngoài ý chí vươn lên chiến thắng số phận của mình. Hãy đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, vượt lên trên số phận và tìm ra lối đi tốt nhất cho tương lai của mình.

Thúy Hạnh


top