Gương sáng của bản làng
- Gương sáng giữa cộng đồng
- |
- Thứ sáu, 09/12/2022 15:38 GMT+7
Biên phòng - Người dân thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum rất kính nể ông A Đúp, bởi trong thôn, ông là người có uy tín, già làng gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào ở địa phương, là tấm gương để bà con học hỏi về việc phát triển kinh tế gia đình.

Dù đã bước sang tuổi 76, nhưng già A Đúp vẫn rất hoạt bát trong công tác vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ qua việc vận động người dân thôn Tu Thó rời khỏi điểm sạt lở đến khu tái định cư mới sinh sống.
Già A Đúp tâm sự: “Để vận động người dân đến điểm tái định cư ở là một việc rất khó, bởi bà con quen ở nơi cũ và gần với khu sản xuất, hơn nữa, bà con ngại chuyển nhà vì sợ tốn kém, mất thời gian. Với cương vị là một già làng, để tạo được lòng tin cho bà con, tôi đã đi đầu trong việc di dời đến khu tái định cư. Thấy gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới, nhiều bà con trong thôn dần thay đổi suy nghĩ. Đến nay, 139 hộ thuộc dự án di dời đã chuyển đến khu tái định cư, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế”.
Để làm được điều này, ngoài việc gương mẫu đi đầu, già A Đúp luôn gần gũi với mọi nhà và hiểu hoàn cảnh của từng hộ gia đình trong thôn. Từ đó, ông nắm được tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu các ý kiến phản ánh của bà con về những vấn đề liên quan đến đời sống mà bà con đang cần chính quyền giúp đỡ. Những hộ gặp khó khăn trong việc di dời nhà cửa, già A Đúp đã đứng ra huy động người dân, chính quyền cùng chung tay giúp đỡ để bà con dời nhà cũ đến nơi ở mới. Dù ở nơi cũ hay khu tái định cư, già A Đúp vẫn luôn tận tụy với việc làng. Ông chính là cầu nối giải quyết các mâu thuẫn giữa người dân với nhau để giữ cho cộng đồng luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Trong xây dựng nông thôn mới, già làng A Đúp luôn đi đầu và kêu gọi mọi người giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Cụ thể, ông A Đúp đã xây dựng chuồng trại cách xa nơi ở, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, trồng cây, hoa ven đường, khuôn viên nhà… Bên cạnh đó, ông còn tích cực nhắc nhở các phụ huynh cho con em đến lớp đầy đủ, không bắt các cháu nghỉ học để lên rẫy; tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên trong thôn không tụ tập, cờ bạc, rượu chè, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tích cực lao động, sản xuất…

Điều làm ông A Đúp thấy tự hào về gia đình mình, đó chính là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện tại, trong gia đình ông vẫn còn cất giữ rất nhiều báu vật chum, ché cùng gia tài “vô giá” của tổ tiên để lại, đó là một bộ cồng chiêng. Nhắc đến món báu vật “vô giá” này, già làng A Đúp vội vàng kéo tay tôi ra phía sau nhà, nâng niu đưa từng chiếc chiêng lên khoe với khách. Già kể: “Có bộ chiêng này, mỗi khi đến ngày lễ hội của dân tộc, tôi lại mang chúng ra, cùng bà con biểu diễn. Tiếng chiêng ngân vang dưới mái nhà rông, hòa cùng điệu múa, tiếng hát của bà con là niềm vui của dân tộc, là niềm tự hào của bản thân và gia đình tôi”.
Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng già A Đúp vẫn thích lao động. Sau khi con cái lập gia đình, ông chia đất cho con và giữ lại cho mình một phần diện tích để sản xuất. Hiện tại, ông còn 3ha mì, 2ha cà phê, 1ha sâm dây và hơn 200 gốc sâm Ngọc Linh, tổng thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng. Ông A Đúp tâm sự: “Nơi đây phù hợp để phát triển trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh. Trồng sâm tuy chi phí đầu tư hơi cao, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế và được chính quyền địa phương tạo điều kiện, quan tâm rất nhiều. Chính vì thế, tôi vận động bà con trong thôn chuyển qua trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh để đời sống bà con ngày càng nâng cao”.
Nhận xét về ông A Đúp, ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết: “Ông A Đúp là một già làng gương mẫu, luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào của địa phương. Nhờ có già A Đúp làm tốt công tác vận động, tuyên truyền mà các hộ dân thôn Tu Thó đều chuyển đến khu tái định cư sinh sống. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của mình, già A Đúp còn góp sức giúp đỡ bà con trong thôn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”.
Tùng Lâm