Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Giữ gìn văn hóa để phát triển

Biên phòng - Giữ gìn bản sắc văn hóa hiện không còn được hiểu một cách “đóng đinh” là gói ghém cẩn thận những di sản truyền thống rồi cất đi như quan niệm trước đây mà là làm sao để di sản văn hóa được hiển hiện, duy trì mạch sống của nó trong đời sống hiện tại và cả tương lai. Người dân Y Tý ý thức được điều này và đã hành động theo suy nghĩ, cách làm riêng của mình. Nền văn hóa truyền thống độc đáo của họ được các thế hệ giữ gìn nguyên vẹn, phát huy để phát triển du lịch.

Y Tý nổi tiếng với những dòng sông mây khổng lồ ở lưng chừng trời. Ảnh: Bích Nguyên

Y Tý nằm trên độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, được bao phủ bởi mây mù gần như quanh năm. Điều khác biệt so với các xã vùng cao khác là Y Tý sở hữu biển mây trắng tinh, huyền ảo và khu rừng già nguyên sinh xanh tốt. Người dân canh tác nông nghiệp (trồng thảo quả, cây dược liệu...) ngay dưới tán rừng già. Không gian thiên nhiên bao la rộng mở, không khí trong lành luôn là một điểm cộng của Y Tý. Đó cũng là một trong những lý do vùng đất giáp biên này thu hút khách du lịch.

Nói Y Tý có vẻ đẹp biến ảo không sai bởi mỗi mùa, khung cảnh ở đây mỗi khác. Vào khoảng tháng 5, tháng 6, đúng mùa nước đổ, đến Y Tý, bạn có cơ hội ngắm ruộng bậc thang lóng lánh nước phản chiếu cả đất trời, núi non. Cũng những thửa ruộng bậc thang ấy vào độ lúa chín (tháng 8, tháng 9) bỗng hóa thành tấm thảm vàng rực. Bước sang mùa Đông, toàn thung lũng Y Tý chìm trong mây mù. Có đợt, nhiệt độ xuống rất thấp, tuyết rơi phủ trắng mái nhà, rừng cây. Khung cảnh Y Tý lúc đó không khác gì trời Âu. Nhưng Y Tý đẹp hơn cả là “mùa mây” từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Bạn sẽ lạc vào những dòng sông mây trắng tinh khổng lồ. Chúng hợp tan, biến ảo liên tục ngay trong tầm mắt bạn chỉ trong giây lát.

Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Y Tý ẩn chứa trong mình một nền văn hóa vô cùng đặc sắc và có phần huyền bí bởi chủ nhân của nó là những người trầm tính, khá kín tiếng và có phần rụt rè. Người dân ở Y Tý chủ yếu là người Hà Nhì. Cho đến bây giờ, họ vẫn giữ nguyên vẹn truyền thống văn hóa của mình từ kiến trúc nhà ở, nếp sinh hoạt, trang phục, nghi lễ thờ cúng...

Trong đó, kiến trúc nhà ở độc đáo là một trong những yếu tố có sức lôi cuốn kỳ lạ với du khách. Nhà ở của người Hà Nhì được xây dựng theo kiến trúc nhà trình tường. Tường nhà được làm bằng đất, dày tới 40cm, có một cửa chính thấp, hẹp để ra vào và một ô cửa tò vò giáp mái lấy ánh sáng và thông khí. Mái nhà được lợp bằng lá gianh hoặc gỗ. Thiết kế của ngôi nhà chống được gió lùa vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa Hè.

Trong hành trình khám phá Y Tý, nếu may mắn, bạn có thể sẽ được hòa mình vào không khí của những lễ hội mang đậm dấu ấn tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào Hà Nhì. Đặc sắc nhất là lễ cúng thần, lễ cầu mùa Khô Già Già, Tết Ga Tho Tho. Lễ cúng thần rừng của người Hà Nhì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2016. Đây là nghi lễ quan trọng nhất đối với người Hà Nhì được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch để cầu mong thôn bản được bình an, mạnh khỏe.

Lễ cúng thần rừng thể hiện tín ngưỡng thờ thần rừng của người Hà Nhì. Đối với những khu rừng thiêng, người dân không được phép vào săn bắn, chặt cây, làm ô uế khu rừng. Người Hà Nhì quy định một ngày nhất định nào đó, dân bản mới được vào rừng để nhặt những cành cây khô về làm củi. Ai vi phạm quy định sẽ bị phạt rất nặng.

Cùng với lễ cúng thần rừng, lễ hội Khô Già Già được tổ chức vào dịp tháng 6 âm lịch là lễ hội lớn nhất trong năm của người Hà Nhì nhằm cầu mong mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Còn Tết Ga Tho Tho là ngày Tết truyền thống được tổ chức vào dịp tháng 11 âm lịch, sau khi mùa vụ đã kết thúc. Dịp này, các gia đình mổ lợn, làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên, tạ ơn thần linh mong một năm mới tốt lành. Trò chuyện với tôi, ông Ly Giờ Lúy, nguyên là Chủ tịch xã Y Tý bảo rằng, dù thế nào chúng tôi luôn giữ văn hóa của dân tộc. Văn hóa chính là thứ keo kết dính sự đồng lòng, đoàn kết của người dân Hà Nhì.

Ý thức được giá trị của vùng đất quê hương, lớp người trẻ ở Y Tý đã khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Người dân và chính quyền đã xây dựng các khu nhà du lịch cộng đồng, cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá cuộc sống của người bản địa hay tour ngắm mây... Cùng với đó là dịch vụ ẩm thực với những món ăn đặc trưng của người Hà Nhì như bánh dày, xôi màu, thức ăn chế biến từ thịt lợn và thịt gà... Du khách chắc chắn sẽ có những trải nghiệm ấn tượng, khó quên.

Anh Chu Che Xá, người Hà Nhì chính gốc, chủ một homestay bảo rằng, ngày càng có nhiều du khách đến đây tìm hiểu cuộc sống, văn hóa của chúng tôi. Văn hóa đang là cầu nối, là con đường gần nhất đưa khách du lịch đến với Y Tý, nó cũng là con đường phát triển của người dân chúng tôi. Ý tưởng làm homstay của anh bắt nguồn từ chính nhu cầu của khách du lịch.

Xem xét một cách khách quan, không gian tự nhiên và không gian văn hóa ở Y Tý đang tạo nhiều lợi thế để người dân bản địa phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân tận dụng nó như thế nào. Để có thể phát triển du lịch, bên cạnh việc giữ gìn văn hóa truyền thống, một điều cần chú trọng nữa là tạo dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.

Thực tế, Y Tý đang vấp phải một điểm trừ là vấn đề vệ sinh môi trường. Những ngôi nhà trình tường ở Y Tý rất đẹp tuy nhiên du khách rất ngại tiếp cận bởi không phải tất cả đều sạch sẽ. Những ngôi nhà mọc san sát nhau trên triền sườn núi nhưng không có đường đi, không có hệ thống thoát nước. Thêm vào đó, việc nuôi nhốt gia súc gần nhà, không thu gom chất thải, nước thải khiến cho môi trường ở đây không được sạch sẽ. Vì vậy, việc đầu tiên Y Tý cần làm là vận động người dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quanh môi trường xung quanh nhà sạch đẹp.

Thu Hằng


top