Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Giảm thiểu tảo hôn ở các huyện miền núi Phú Yên

Biên phòng - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn nhiều huyện miền núi tỉnh Phú Yên đạt được nhiều kết quả quan trọng, tình trạng tảo hôn đang đẩy lùi.

Cộng tác viên dân số đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Ảnh: Tiêu Dao

Phú Yên hiện có hơn 60 nghìn người là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại huyện Sơn Hòa, theo thống kê tại xã Krông Pa từ năm 2017-2022, trên địa bàn xã có 30 trường hợp tảo hôn, chủ yếu ở đồng bào DTTS. Trước thực trạng tảo hôn nhức nhối ở địa bàn xã này, từ tháng 9/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Câu lạc bộ ra đời đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã tuyên truyền, vận động thành công 4 trường hợp có ý định lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn. Ở một số địa phương của huyện Sơn Hòa, chương trình tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội cồng chiêng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đó, chú trọng tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, qua các tiểu phẩm nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và các giải pháp khắc phục.

Chị Kpá H’ Hà ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, tôi và mọi người biết được rất nhiều kiến thức liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình. Quan trọng nhất là tôi sẽ không để các con, các cháu lấy chồng, lấy vợ sớm, tránh những hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Tại huyện Sông Hinh hiện có gần 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đây là địa bàn có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số lớn trên địa bàn Phú Yên. Những năm qua, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra một số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17. Đặc biệt, nạn tảo hôn thường đi kèm với đói nghèo khi tường xảy ra tại những buôn có kinh tế khó khăn. Chính quyền địa phương huyện Sông Hinh lựa chọn việc tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào đối tượng học sinh ở tuổi vị thành niên.

Nhà trường phối hợp với Phòng Dân tộc huyện cung cấp kiến thức phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu cho học sinh. Việc triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông đã tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của các em, qua đó giúp các em hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Song song với hoạt động của các huyện, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cũng thường xuyên tổ chức chuỗi những hội nghị tập huấn tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong quý III năm 2023 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đã phối hợp với UBND các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân tổ chức 12 hội nghị tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021-2025) và Tiểu dự án 9.2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình Phòng chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình..., từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu.

Cán bộ xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân trên địa bàn xã. Ảnh: Tiêu Dao

Ngoài các chương trình tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã lồng ghép các kiến thức về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản trong các buổi chiếu phim lưu động để người dân nắm bắt và thực hiện, qua đó góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian tới, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, lồng ghép nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn tỉnh.

Những hoạt động này đem đến hiệu quả rõ rệt khi nhận thức người dân được tăng lên. Chị La O Thị Tím ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho rằng, những buổi tuyên truyền giúp chị và người dân nơi đây biết quy định về độ tuổi kết hôn, các hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, nhất là phụ nữ.

Điển hình như tại thôn Tân Hải (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) có gần 100 hộ, với trên 380 người, nhờ có sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan, ban ngành, những năm gần đây, nhận thức của đại bộ phận đồng bào ở thôn Tân Hải đã được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn. Người dân đã nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật nên dạy bảo con cháu, vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Nay Y Dú, người có uy tín ở buôn Học (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) cho biết: Trước đây, trai gái trong thôn chỉ cần ưng nhau là nói cha mẹ cho tổ chức đám cưới, kể cả khi mới chỉ 14-15 tuổi. Điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy như trẻ em bỏ học, sinh con sớm, cuộc sống mãi khó khăn, nghèo đói, dị tật bẩm sinh... Sau khi Nhà nước liên tục tuyên truyền, nhắc nhở thì tình trạng này đã giảm hẳn. Là già làng, cũng là thầy cúng trong thôn, tôi thường xuyên nhắc nhở cha mẹ và các cháu không được cưới sớm, không cưới người có quan hệ huyết thống. Nhờ vậy, nhiều năm gần đây, buôn Học không còn trường hợp cưới nhau khi chưa đủ tuổi.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết: Xã Krông Pa có trên 2/3 người dân là đồng bào DTTS. Cùng với nỗ lực của địa phương, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhiều; ý thức của người dân cũng được nâng cao. Năm 2022, trên địa bàn chỉ còn 2 trường hợp phát sinh tảo hôn.

Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện nay, ở nhiều thôn buôn các địa phương miền núi của Phú Yên không còn tình trạng tảo hôn như nhiều năm trước. Bà con ngày càng ý thức được hậu quả của nạn tảo hôn và luôn ủng hộ chính quyền địa phương, vận động con cháu kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Những tín hiệu đáng mừng này giúp cho Phú Yên ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.

Tiêu Dao


top