Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận thi đua xây dựng nông thôn mới

Biên phòng - Những ngôi trường khang trang ríu rít bước chân con trẻ, hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín khắp các thôn xóm, bên ruộng măng tây, đồng bào Chăm hối hả với những vụ mùa mới… Từ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn ở các xã vùng đồng bào Chăm (tỉnh Ninh Thuận) đang đổi mới từng ngày.

Đồng bào Chăm ở làng gốm Bàu Trúc có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng NTM. Ảnh: Phương Tú

Nông thôn mới ở làng Chăm Thành Tín

Đi dọc Tỉnh lộ 710 chạy qua thôn Thành Tín (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những khóm hoa rực rỡ được trồng hai bên ven đường. Cùng với những con đường hoa này, đi sâu vào thôn Thành Tín, cảm nhận về không gian nông thôn xanh - sạch - đẹp trong chúng tôi dường như càng rõ nét hơn khi dạo bước trên những con đường đổ bê tông phẳng phiu, được vệ sinh sạch sẽ…

Là thôn có tới hơn 1.000 hộ đồng bào Chăm, chủ yếu theo 2 tôn giáo: Bà Ni và Bà La Môn…, nhưng phong trào xây dựng NTM ở Thành Tín được triển khai rất hiệu quả nhờ phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Chỉ sau 2 năm (2019-2020) thực hiện phong trào xây dựng nông NTM, Thành Tín đã có 4,7/4,92km (đạt 95,7%) đường trục nông thôn được cứng hóa, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 3,544/3,9km (đạt 90,87%) đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, 90% đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…

Bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện các mô hình sinh kế gắn với tiêu thụ sản phẩm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo…, Thành Tín còn là một trong số ít những thôn kêu gọi được người dân đóng góp tiền, công sức xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ cho cộng đồng như: Sân bóng đá, công trình đèn năng lượng mặt trời “Thắp sáng đường quê”; lắp đặt camera an ninh ở trục đường chính, các tụ điểm đông người, tu bổ lại giếng nước cổ trong thôn…

Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, Thành Tín còn chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo nghề và tập huấn về nông nghiệp cho nông dân. Theo đó, toàn thôn đã có 1.175 lao động qua đào tạo (chiếm 50,19%); 2.455 lao động có việc làm (chiếm 96,5%). Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, ngành nghề, Thành Tín đã kéo số hộ nghèo từ 71 hộ xuống còn 39 hộ (chiếm tỷ lệ 2,37%)… Những kết quả này không chỉ đưa thôn Thành Tín đạt chuẩn NTM, mà còn là cơ sở để xã Phước Hải mạnh dạn đề nghị huyện Ninh Phước đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng Thành Tín đạt chuẩn thôn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Nhiều làng đồng bào Chăm tích cực đi đầu

Được biết, Thành Tín chỉ là một trong số nhiều làng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận triển khai xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Với 17.503 hộ đồng bào Chăm, sinh sống tập trung tại 12 xã, gần 10 năm qua, thực hiện xây dựng NTM, Ninh Thuận đã chú trọng huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển nâng cao toàn diện đời sống của các xã vùng đồng bào Chăm. Nhờ đó, đến năm 2020, 10/12 xã vùng đồng bào Chăm đã đạt 19 tiêu chí NTM. Tiêu biểu như xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Thuận, Phước Hữu (huyện Ninh Phước), xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải), xã Phước Nam (huyện Thuận Nam)…

Trong đó, Ninh Phước là huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất tỉnh Ninh Thuận, nhưng đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2019 nhờ có nhiều thôn, xã triển khai xây dựng NTM đạt hiệu quả và chất lượng cao. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, huyện Ninh Phước đã huy động và lồng ghép các nguồn lực được hơn 2.330 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản của huyện Ninh Phước đạt trên 2.541 tỷ đồng, gấp hơn 4,13 lần so với khi bắt đầu xây dựng NTM (năm 2011).

Đáng ghi nhận là, không chỉ đời sống đồng bào Chăm được nâng lên rõ rệt; đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, phong quang… mà một bộ phận không nhỏ người Chăm đã biết ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng và vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại nhiều xã vùng đồng bào Chăm đã xuất hiện những mô hình sản xuất mới, điển hình như mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập lên tới 500 triệu đồng/ha, mô hình sản xuất lúa xuất khẩu...

Sư Cả Đổng Bạ (làng Chăm Phước Đồng 2, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) trụ trì tháp Pôklong Garai, đảm nhận hoạt động tín ngưỡng tâm linh của gần 4.000 hộ đồng bào Chăm sinh sống tại 11 thôn thuộc địa bàn 5 xã ở các huyện Ninh Phước, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, chia sẻ: “Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm ngày càng phát triển. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, tôi đã tích cực vận động các vị chức sắc Chăm Bà La Môn nêu gương gia đình tiêu biểu và tuyên truyền thôn xóm đoàn kết xây dựng NTM. Từ chỗ các khoản đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp và các chương trình an sinh xã hội của Nhà nước được công khai rộng rãi, các mô hình thí điểm về xây dựng NTM được triển khai hiệu quả…, bà con làng Chăm Phước Đồng 2 đã đoàn kết một lòng, thi đua xây dựng NTM”.

Mới đây, trong chuyến thăm các tổ chức tôn giáo của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đánh giá cao tinh thần, ý thức của đồng bào Chăm, đặc biệt là vai trò của các chức sắc, chức việc, sư cả, trong việc nâng cao tinh thần đoàn kết, có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng NTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị Ban lãnh đạo các tổ chức Hồi giáo Islam, Hồi giáo BàNi không chủ quan, buông lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ đồng đạo tích cực hưởng ứng, hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với đất nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của tôn giáo, đóng góp tích cực cho sự phát triển giàu mạnh của quê hương.

Phương Tú


top