Đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Đức Cơ
- Tin tức thời sự
- |
- Chủ nhật, 19/11/2023 15:07 GMT+7
Biên phòng - Đức Cơ là huyện miền núi biên giới của tỉnh Gia Lai, có 9 xã, 1 thị trấn với gần 19.500 hộ và khoảng 82.000 nhân khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là gần 45%, chủ yếu là đồng bào Jrai. UBND huyện cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, có 115 trường hợp tảo hôn. Riêng năm 2023, có một số xã vẫn còn tỷ lệ tảo hôn cao như xã Ia Dom có 5 trường hợp, xã Ia Dok có 5 trường hợp và xã Ia Lang có 4 trường hợp.

Trong căn nhà xập xệ, em Rơ Mah H’Chu, 16 tuổi ở làng Trang, xã biên giới Y Bô lặng lẽ nhóm lửa để nấu bữa cơm đạm bạc với rau và ít cá khô cho chồng. Ngọn lửa cùng ánh đèn leo lét không đủ để sưởi ấm căn bếp khi mùa mưa đang đến. Không có việc làm, sống phụ thuộc vào công việc bấp bênh của chồng, cuộc sống của H’Chu rơi vào bế tắc. Do còn nhỏ tuổi, chưa thể ra ở riêng nên hai vợ chồng trẻ này sống chung với bố mẹ. Từ đây, bố mẹ của các em cũng gánh thêm hai miệng ăn, nên cái nghèo cứ thế bủa vây tứ phía.
Với giọng nghẹn ngào, H’Chu chia sẻ: “Khi đã học xong lớp 9 thì em lỡ có bầu nên bỏ học. Giờ em thấy các bạn đến trường nên em chạnh lòng buồn và em rất hối hận. Mong là các bạn không lấy chồng sớm như mình”.
Cũng giống như em Rơ Lan H’ Hương (xã Ia Kriêng) chuẩn bị làm mẹ ở tuổi 17 trong khi các bạn đang cắp sách đến trường thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, thì em H’Hương chỉ biết quanh quẩn ở nhà chờ đến ngày sinh. Nhìn gương mặt của H’Hương, ai cũng thấy chạnh lòng, vì em quá nhỏ tuổi để làm mẹ.
Mẹ em Rơ Lan H’ Hương giãi bày: “Khi bé nhà mình qua nhà trai ở, gia đình buồn và ra sức ngăn cản, nhưng khi nó mang bầu rồi thì cũng đành chấp nhận, nhưng chưa dám làm đám cưới, chờ đủ tuổi mới làm”.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Kriêng, bà Rơ Châm H’Thanh cho biết: “Người Jrai hiện nay còn thiếu nhận thức và cũng chưa được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vấn đề tảo hôn, nên đồng bào Jrai vẫn có gia đình làm theo tập tục cho con lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định. Bên cạnh đó, có những gia đình nhận thức chưa đầy đủ về hệ lụy của tảo hôn nên không ngăn ngừa, răn đe con. Nhưng có trường hợp con họ phản bác bố mẹ với lý do, nếu không cho lấy chồng hoặc lấy vợ thì sẽ tự tử”.
Nguyên nhân của những vấn đề trên là do một bộ phận gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thiếu sự quan tâm và chăm lo đối với con cái dẫn đến việc trẻ em bỏ học yêu đương, rồi lấy chồng sớm. Bên cạnh đó, còn do sự phát triển của mạng xã hội với sự du nhập văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm nhận thức về giới đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các em nên dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, ông Siu Luynh nói: “Ban Thường trực Tỉnh ủy cũng đã tăng cường chỉ đạo từ việc ra nghị quyết đến ban hành, thực hiện kế hoạch. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban như Phòng Tư pháp, Phòng Dân tộc, Phòng Lao động và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tăng cường tổ chức tuyên truyền tại tại thôn, bản và đối tượng tham gia vào các câu lạc bộ của Đoàn thanh niên, nhất là các em trong độ tuổi vị thành niên. Câu lạc bộ còn tuyên truyền lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các em nâng cao nhận thức”.

“Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”. Qua đó, huyện đã tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với các văn bản liên quan với 34 buổi tại các xã, thị trấn, thu hút được 1.620 lượt người tham gia, cấp phát 630 cuốn tài liệu, chiếu 10 video tuyên truyền tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ thôn, làng, tổ dân phố; tổ chức gần 50 lớp tập huấn với hơn 1.000 học viên tham gia công tác truyền truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” - ông Siu Luynh chia sẻ.
Nhờ tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương đã giảm dần. Nếu như năm 2021 là 82 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết, thì đến năm 2023 đã giảm còn 22 trường hợp tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Hiện nay, Phòng Dân tộc huyện trực tiếp phối hợp với các cơ quan đơn vị, các xã để đẩy mạnh tuyên truyền. Từ đó, người dân đã từng bước được nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc xóa bỏ những hủ tục, xây dựng cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Thúy Hạnh