Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hội thi nhằm chấm dứt nạn tảo hôn ở vùng cao

Biên phòng - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Quảng Bình có trên 6.944 hộ gia đình, với trên 27.000 nhân khẩu (chiếm khoảng 2,4% dân số toàn tỉnh); sinh sống tập trung ở 111 thôn, bản thuộc 16 xã miền núi, vùng cao, biên giới và một bộ phận xen ghép với người Kinh, chủ yếu ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tại Quảng Bình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Phổ biến pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các trường học là cách làm hiệu quả tại Quảng Bình. Ảnh: Tiêu Dao

Đối với hiện tượng tảo hôn, hiện vẫn còn diễn ra và một số người dân tìm cách “lách luật” bằng cách nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống và sinh con, khi đủ tuổi mới đưa nhau đi đăng ký kết hôn. Gặp những trường hợp này, cán bộ và chính quyền địa phương rất khó xử lý và nếu có xử lý thì cũng trong tình thế đã xảy ra hậu quả. Xử phạt vi phạm hành chính đều gặp phải những rào cản, nên tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS các địa phương nói trên vì thế vẫn diễn ra, trong đó có những trường hợp kết hôn khi chỉ mới 14 tuổi.

Theo số liệu thống kê năm 2022, số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có giảm so với năm 2021, tuy nhiên không đáng kể (năm 2021 có 71 trường hợp tảo hôn, chiếm 15,1%, năm 2022 có 68 trường hợp, chiếm tỉ lệ 11%). Một số địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao như: Xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) và xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy). Việc nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý đối với các vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho phụ nữ, trẻ vị thành niên là người DTTS tại 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa bằng các hội thi đã được các ngành chức năng ở địa phương thực hiện trong những năm qua.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức 35 lớp tuyên truyền trực tiếp với hơn 3.000 lượt người tham gia, nội dung tuyên truyền gồm giáo dục tiền hôn nhân cho trẻ em gái vị thanh niên, cặp vợ chồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sử dụng biện pháp tránh thai an toàn; tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cho đối tượng là thanh, thiếu niên, cha mẹ thanh, thiếu niên; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa được đông đảo học sinh hưởng ứng tham gia.

Mới đây, vào ngày 8/8, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS năm 2023 tại xã Trọng Hóa. Hội thi được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa xoay quanh các vấn đề như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trước đó, vào cuối tháng 7, Hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS huyện Lệ Thủy năm 2023 cũng đã diễn ra tại xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy).

Trong các hội thi này, các đơn vị tham gia tranh tài đã thể hiện sự hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình, nội dung hùng biện thuyết phục và những tiểu phẩm thú vị, ý nghĩa. Mỗi thí sinh là một tuyên truyền viên bày tỏ thái độ, suy nghĩ nghiêm túc, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã, đang là nỗi đau cho nhiều gia đình, là gánh nặng cho xã hội.

Tất cả các nội dung đều phản ánh chân thực về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Bằng việc tổ chức các hội thi và sân khấu hóa đã để lại ấn tượng cho người xem bởi lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên cùng cốt truyện hấp dẫn, bối cảnh, trang phục, đạo cụ, âm nhạc được chuẩn bị công phu. Mỗi tiểu phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi cũng như mức độ hiểu biết của đồng bào DTTS.

Một hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện Minh Hóa. Ảnh: Tiêu Dao

Thông qua hội thi, tạo sự lan tỏa đến thanh thiếu niên, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng DTTS; hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu theo Đề án của Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Quảng Bình cũng đã thực hiện 24 chuyên mục “Pháp luật và Đời sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật đăng trên báo, tạp chí. Cùng với đó là in ấn, cấp phát hơn 26.000 tài liệu tuyên truyền; đăng tải nhiều lượt tin, bài trên mạng xã hội như Facebook, Fanpage, Zalo.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Phòng Giáo dục và Đào tạo vùng đồng bào DTTS đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin; phổ biến pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các trường học; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động lễ, hội, hoạt động văn hóa, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở cơ sở; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa học sinh dân tộc Kinh và học sinh các DTTS.

Ngành giáo dục Quảng Bình cũng đã thực hiện được 321 tiết học và 38 buổi ngoại khóa có lồng ghép nội dung giáo dục về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với địa phương tổ chức 63 buổi giao lưu văn hóa giữa học sinh dân tộc Kinh và học sinh DTTS với nội dung tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; 19 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở phạm vi cấp trường. Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Quảng Bình tổ chức 550 buổi chiếu phim thu hút khoảng 80.000 lượt người xem; thực hiện 155 buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đạo đức và lối sống trong gia đình; phong trào xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa ở miền núi, vùng cao được đồng bào DTTS hưởng ứng, đồng tình cao.

Tỉnh đoàn Quảng Bình in ấn tờ rơi, tờ gấp, áp phích, tranh cổ động, các bảng thông tin đồ họa tuyên truyền về hành vi nên làm, không nên làm trên bao bì, sản phẩm hỗ trợ hoặc phần quà lúc trao tặng bà con; phối hợp với tổ chức quốc tế Plan triển khai Dự án “Em vui” với nội dung tổng hợp câu chuyện thực tế tại các tỉnh, huyện, xã biên soạn thành bộ tài liệu truyền thông nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về phòng, chống tảo hôn.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, cơ quan chức năng mong muốn cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến đông đảo người dân vùng DTTS. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025…

Qua điều tra, khảo sát bước đầu cho thấy, so với những năm trước đây, hiện tại, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết nói riêng, thì tại các địa phương vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Bình, tình trạng này đang có xu hướng giảm dần.

Tiêu Dao


top