Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiến tới xóa bỏ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Diện tích tự nhiên của huyện trên 47.510ha, có 43,168km đường biên giới tiếp giáp với huyện Phòng Thành, Ninh Minh và huyện Sùng Tả của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Toàn huyện có 86 thôn, bản, khu phố với dân số trên 33 nghìn người, trong đó trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Hoàng Thị Vinh (thứ 2, từ phải sang), Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu cùng đại diện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tại lễ ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ảnh: Ái Vân

Mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn còn xảy ra, tuy với tỷ lệ rất ít. Bình Liêu phấn đấu đến năm 2025 quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có phỏng vấn bà Hoàng Thị Vinh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

- Đề nghị bà cho biết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bình Liêu trong thời gian qua?

- Bình Liêu là huyện miền núi, dân tộc, biên giới, dân cư phân tán, trình độ dân trí trên địa bàn còn nhiều mặt hạn chế, mặt khác một bộ phận người dân vẫn còn nhận thức, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động, nhất là ở các thôn, bản vùng cao; nhiều phụ huynh, con em chưa hiểu hết được tác hại của tảo hôn và sinh con trong độ tuổi vị thành niên, chưa quan tâm đúng mức trong quản lý, giáo dục con em mình.

Trên địa bàn vẫn các xã, thị trấn xảy ra tình trạng phụ nữ sinh con trước 18 tuổi, chủ yếu tập trung ở các thôn, bản vùng sâu, vùng cao của xã, các trường hợp sinh con trước tuổi là người đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ (trong 65 trường hợp phụ nữ sinh con trước độ tuổi cho phép, có 54 trường hợp dân tộc Dao; 8 trường hợp dân tộc Sán Chỉ; 3 trường hợp dân tộc Tày).

Năm 2023, cả huyện chỉ còn 10 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. So với các năm trước, tỷ lệ tảo hôn đã giảm thiểu đáng kể như: Năm 2021, có 17 trường hợp; năm 2022 có 38 trường hợp.

- Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu và triển khai những biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện, thưa bà?

- Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" giai đoạn 2020-2025, UBND huyện Bình Liêu đã xây dựng kế hoạch để triển để khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Năm 2023, Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hai hội nghị chuyên đề; hai cuộc hành động lồng ghép tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với trên 400 người tham gia; tổ chức nhiều hội nghị, cung cấp tài liệu pháp luật về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho trên 600 người; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định về hôn nhân và hôn nhân cận huyết với trên 160 lượt người; phối hợp với Phòng Tư pháp huyện cấp phát 10.000 tờ gấp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tổ chức tuyên truyền pháp luật tại cho 620 học sinh và giáo viên.

Đặc biệt, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ thôn, bản, tiểu khu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức các hội thi ở các nhà trường về tác hại của tảo hôn, tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình; tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ người có uy tín; phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, thầy tào, thầy mo, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, trưởng thôn, bí thư chi bộ... trong tuyên truyền, vận động người dân,cộng đồng dân cư, dòng tộc ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền, phổ biến giáo dục bằng nhiều hình thức như: Băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích… đặt ở trung tâm, xã, thôn, bản.

- Với một huyện biên giới hầu hết là người dân tộc thiểu số, trong quá trình triển khai tuyên truyền về các nội dung liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bà có gặp khó khăn gì không?

- Là huyện biên giới, dân cư sống ở các thôn bản vùng cao, không tập trung, mà sống rải rác ở các sườn đồi; kinh tế - xã hội chưa phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên khi tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào thì vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên huyện Bình Liêu ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Ảnh: Ái Vân

Số phụ nữ sinh con khi chưa đủ 18 tuổi xảy ra còn nhiều, tập trung ở các thôn bản vùng sâu, vùng cao của xã, mà chủ yếu là trong đồng bào dân tộc Dao. Mặt khác, trong quá trình vi phạm các trường không cùng chung sống, không tổ chức cưới nên rất khó phát hiện; việc nắm bắt địa bàn của đội ngũ cán bộ thôn, bản chưa sâu sát, chưa kịp thời; một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tuyên truyền.

Bên cạnh đó, ở cấp xã chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, đối tượng chính để tuyên truyền lại ít tham gia hoạt động cộng đồng, đoàn thể, việc để xảy ra trường hợp tảo hôn và phụ nữ sinh con trước độ tuổi xử lý chưa kiên quyết, chưa kịp thời.

- Để giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng tảo hôn trên địa bàn và hạn chế phụ nữ sinh con khi chưa đủ 18 tuổi, địa phương cần làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên trong thời gian tới?

- Để giảm thiểu và xóa bỏ nạn tảo hôn trên địa bàn, trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp đồng bộ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, nhất là phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp từ thôn, bản, xã. Nêu gương các điển hình thanh thiếu niên trong học tập, vượt khó vươn lên chính mình ở các lĩnh vực; thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên; tổ chức các diễn đàn chia sẻ tâm tình để các em nói ra những tâm tư, suy nghĩ, chia sẻ những khó khăn...

Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tư pháp và Trung tâm Y tế huyện tổ chức các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các trường học để lực lượng thanh thiếu niên nắm rõ hơn về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt là việc tảo hôn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của các bé gái, trẻ sơ sinh...

- Trân trọng cảm ơn bà!

Ái Vân (thực hiện)


top