Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Đắk Ang

Biên phòng - Công tác tuyên truyền, vận động nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là việc làm hết sức cần thiết. Với mục tiêu không bị tụt hậu với phát triển của xã hội, xã Đắk Ang đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ngọc Hồi triển khai công tác tuyên truyền tới người dân ở xã Đắk Ang. Ảnh: Thúy Hạnh

Bị ngăn cách bởi dòng sông Pô Kô, cách thị trấn Plei Kần 22km, dọc theo quốc lộ 14, xã Đắk Ang thuộc xã vùng khó khăn nhất của huyện biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Theo UBND xã Đắk Ang, xã có 6 thôn với 1226 hộ/5251 nhân khẩu. Trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người Xơ Đăng với 1.140 hộ/4.957 nhân khẩu. 6 tháng đầu năm 2023, xã có 22 cặp kết hôn, trong đó có 4 trường hợp là trẻ em gái vị thành niên, gồm: Y Nhiễn, Y Hiếu, Y Na và Y Khuyên (đều là người dân tộc Xơ Đăng). Đồng bào DTTS tại địa phương chiếm 97,61%, chủ yếu làm nông nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 792/QĐ-UBND, ngày 5/10/2015 của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được đẩy mạnh. Ngoài việc tuyên truyền miệng, UBND xã còn tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã đến từng thôn, làng trên địa bàn. Các tài liệu, sản phẩm truyền thông tới người dân như cuốn câu chuyện tảo hôn, hỏi – đáp về hôn nhân và gia đình, hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và một số tờ rơi có nội dung liên quan tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng được tuyên truyền là hội viên của các chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi, chi hội cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên và những hộ dân có con em trong độ tuổi từ 12-20. Công tác tuyên truyền được tổ chức tại 6/6 thôn.

Cụ thể, ngày 23/9/2023, Hội LHPN huyện Ngọc Hồi đã tổ chức buổi truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số theo Dự án 8 “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 trên địa bàn huyện. Đồng thời, hội LHPN huyện Ngọc Hồi cũng phát động cuộc thi tìm hiểu phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân của xã Đắc Ang.

Tham dự có bí thư chi bộ, trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận thôn và 100 hội viên, phụ nữ tại hai thôn là Đăk Sút, Đăk Giá 2, xã Đắk Ang. Bằng hình thức trao đổi trực tiếp, thông qua các câu hỏi trắc nghiệm nhằm tuyên truyền sâu hơn nội dung tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và bạo lực gia đình, như: Thế nào là bạo lực gia đình? Ai là người bạo lực và ai là người bị bạo lực? Thế nào là tảo hôn, kết hôn cận huyết thống? Bao nhiêu tuổi thì nam, nữ được kết hôn?...

Phụ nữ tham gia trả lời câu hỏi liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Thúy Hạnh

Buổi truyền thông đã tạo được sân chơi kiến thức, thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia. Những người tham gia được mời lên trả lời câu hỏi trắc nghiệm đều được nhận quà, các chị em được chọn quà nếu ai trả lời nhanh và đúng nhất nên mọi người đều rất vui và hào hứng trả lời.

Các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã thu hút được đông đảo công chức và người dân tham gia, qua đó, việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được nâng lên. Thông qua buổi truyền thông và cuộc thi trắc nghiệm, những người dân tham gia sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người thân, người dân nơi mình sinh sống nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng vi phạm pháp luật của người dân đã giảm đi rõ rệt so với các năm trước.

Tảo hôn là vấn nạn xã hội, vi phạm pháp luật, kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, là lực cản sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng dân số. Để ngăn chặn vấn nạn này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Phó Chủ tịch UBND xã, ông A Thum cho biết: “Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các tầng lớp người dân trên địa bàn xã. Đồng thời, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Thúy Hạnh


top