Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đánh thức tiềm năng du lịch Bảo Lạc (bài 3)

Biên phòng - Nhằm phát triển dịch vụ - du lịch trở thành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế, huyện Bảo Lạc đã xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu đến năm 2025 thu hút khách du lịch đạt 30.000 lượt khách, trong đó, khách nội địa 20.000 lượt, khách quốc tế 10.000 lượt.

Bài 3: Xác định du lịch trở thành mũi nhọn quan trọng trong phát triển kinh tế

Phát triển đa dạng các loại hình du lịch

Xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bảo Lạc đã chú trọng phát triển đa dạng, đan xen các loại hình du lịch như: Du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với tâm linh, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, du lịch khám phá… Xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc) là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Lô Lô. Với hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và phong tục, tập quán đặc sắc, Khuổi Khon trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá non nước Cao Bằng. Phát triển du lịch đã và đang giúp đồng bào Lô Lô nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Khách du lịch tham gia trải nghiệm tại điểm du lịch Farmstay Kha Rào, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc. Ảnh: CTV

Xóm Khuổi Khon cách trung tâm huyện 16km, có 62 hộ, gần 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Lô Lô. Trước đây, 50% hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ khi người dân bắt đầu làm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Hiện nay, xóm chỉ còn 10/62 hộ nghèo (chiếm hơn 16%).

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà cho biết: “Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Năm 2020, dự án tu bổ, sửa chữa 5 nhà ở truyền thống, 1 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác. Địa phương xác định phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô”.

Là một trong những người đi đầu của xóm Khuổi Khon trong kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, gia đình ông Chi Viết Hải có ngôi nhà sàn mang nhiều nét truyền thống của người Lô Lô. Nhà làm bằng gỗ và tre, rộng 5 gian, 4 mái. Nhờ sự hỗ trợ của ngành văn hóa tỉnh, ông sửa chữa, mua sắm nhiều vật dụng để phục vụ khách du lịch. Trong thời gian cao điểm mùa du lịch, gia đình ông có nhiều khách Tây đến tham quan, ông thu mỗi khách lưu trú từ 50 - 100.000 đồng/ngày; thu nhập từ du lịch của gia đình ông đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập từ du lịch, gia đình ông đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Ông Hải cũng là một trong những người hiến đất để xóm phát triển du lịch. Năm 2020, ông hiến 88m2 đất làm đường vào nhà sinh hoạt cộng đồng xóm. Nhà sinh hoạt cộng đồng trưng bày mô hình trống đồng Lô Lô, trang phục, xe đồ chơi bằng gỗ, khung cửi và sa quay sợi, loỏng đập lúa, cày gỗ, bừa, cào, yên ngựa thồ hàng của người Lô Lô. Khi du khách đến Khuổi Khon sẽ được thăm các mô hình trưng bày trong nhà sinh hoạt cộng đồng, thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Lô Lô...

Anh Chi Văn Khôn là một trong những hộ mở dịch vụ homestay ở Khuổi Khon. Theo anh Khôn, du khách rất hào hứng khi nghỉ tại nhà sàn, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt cùng với người dân như: chế biến các món ăn truyền thống, chăm sóc gia súc, gia cầm, thêu, dệt thổ cẩm nên gia đình tôi mở dịch vụ lưu trú phục vụ du khách. Từ khi làm homestay, thu nhập của gia đình tôi ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian tới, huyện Bảo Lạc gắn phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia để lồng ghép nguồn lực thực hiện nhằm giúp Khuổi Khon trở thành địa chỉ du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch, nhất là du khách người nước ngoài ưa trải nghiệm, khám phá.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An nhấn mạnh: “Để phát triển du lịch ở Khuổi Khon, ngành văn hóa tỉnh tiếp tục mở các lớp truyền dạy nghề đan lát, thêu thùa; lựa chọn những bài hát, điệu múa đặc sắc để dàn dựng, hướng dẫn luyện tập, bồi dưỡng kỹ năng trình diễn cho các nghệ nhân và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, vận động người dân thành lập tổ thêu, dệt vải may trang phục truyền thống cho gia đình và bán cho du khách đến trải nghiệm. Quan tâm nâng cao chất lượng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc phục vụ du khách, nhất là du khách nước ngoài. Người dân cần có ý thức giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hóa, trang phục độc đáo, nghề thủ công truyền thống cũng như nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái”…

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tháng 5/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bảo Lạc phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Trường tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ hát Then, đàn Tính” xóm Bản Chuồng, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc. Ảnh: CTV

Xác định dấu mốc quan trọng vào năm 2025

Theo đó, huyện Bảo Lạc xác định tập trung phát triển các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng: Du thuyền trên dòng sông Gâm qua biên giới tại Thiêng Qua (xã Cô Ba); du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc); du lịch trên hồ Thôm Lốm; du lịch khám phá dốc 15 tầng Cốc Trà (xã Xuân Trường) và các điểm di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện. Chỉnh trang, sửa chữa và nâng cấp chợ trung tâm thị trấn, tạo thêm sự phong phú về hàng hóa và trở thành địa điểm tham quan cho du khách. Tổ chức phiên chợ đêm cuối tuần vào tối thứ 7 hàng tuần và xây dựng phố ẩm thực cuối tuần tại trung tâm thị trấn Bảo Lạc để quảng bá và phát triển các dịch vụ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương, thu hút khách du lịch. Hỗ trợ và liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang làm các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thị trấn để du khách đến tham quan.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí và đào tạo nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch cấp huyện và cơ sở. Tổ chức đào tạo tập huấn nhằm năng cao kỹ năng phục vụ du lịch cho các hộ cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác bảo tồn các không gian văn hóa làng, bản truyền thống như bản dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc; bản dân tộc Sán Chỉ, xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà; giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc như nhà sàn; các nghi lễ truyền thống; nghề thủ công truyền thống; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; các trò chơi dân gian. Bảo tồn và khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội lồng tồng, chợ tình phong lưu (Háng Toán); lễ mừng cơm mới, lễ cầu mưa, lễ cúng rừng của dân tộc Lô Lô; lễ cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ, Sán Chỉ; ngày hội văn hóa dân tộc Mông.

Phấn đấu đến năm 2025, có 50 cơ sở lưu trú, trong đó có từ 10 - 15 khách sạn; trên 60% lao động hoạt động du lịch trực tiếp được đào tạo chuyên môn, 70% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch được bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng; có 1.000 - 1.500 lao động dịch vụ - du lịch, trong đó, số lao động qua đào tạo bồi dưỡng, tập huấn chiếm 50%.

Hồng Tiềm


top