Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đánh thức tiềm năng du lịch Bảo Lạc (bài 1)

Biên phòng - Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là huyện biên giới miền núi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, hội tụ nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo. Những năm qua, cùng với việc đầu tư cho phát triển kinh tế từ du lịch, huyện Bảo Lạc chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đẩy mạnh quảng bá, nhờ đó mà tiềm năng, thế mạnh về du lịch ngày càng phát huy hiệu quả, đồng thời là điểm đến du lịch thú vị, hấp dẫn du khách khi đến Cao Bằng.

Bảo Lạc nằm cách xa trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 130 km về hướng Tây Nam theo Quốc lộ 34 kết nối với Quốc lộ 4C tỉnh Hà Giang. Đây là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo riêng, hình thành nên diện mạo văn hóa đa dạng và đặc trưng riêng của vùng.

Bài 1: Khôi phục, gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc

Để gìn giữ, bảo tồn và khôi phục các phong tục tập quán tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lạc đã chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, nhất là ngành văn hóa thực hiện việc khôi phục, phục dựng các lễ hội xưa vào trong đời sống xã hội ngày nay. Đây được coi là hướng đi đúng, trúng của huyện Bảo Lạc, được người dân tin tưởng, ủng hộ bằng cả nhận thức và hành động. Qua đó, vừa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các phong tục, tập quán lạc hậu, đoàn kết cùng cộng đồng các dân tộc xây dựng dải đất biên cương ngày càng giàu đẹp, ấm no.

UBND huyện Bảo Lạc tổ chức Tuần lễ văn hóa - Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc năm 2022. Ảnh: Hồng Tiềm

Trước đây, huyện Bảo Lạc có 2 ngày hội chợ tình lớn trong khu vực. Người dự chợ hội từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang đến, từ các huyện Thông Nông, Nguyên Bình sang và thêm cả nam nữ thanh niên dân tộc huyện Nà Po (Trung Quốc) cũng sang tham dự. Ngày hội chợ tình đầu năm diễn ra ngày 30/3 (âm lịch), gọi là chợ Hội “Phong lưu”; chợ hội thứ hai là ngày 15/8 (âm lịch), gọi là chợ Hội “Háng toán”. Hai ngày chợ hội hằng năm là nơi hò hẹn, tìm hiểu, trải lòng của các đôi nam nữ, đó cũng là nơi thể hiện sự phồn thịnh với các sản vật, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô, Dao Đỏ, Sán Chỉ, Mông.

Sau Tết Nguyên đán, ngày chợ Hội “Phong lưu” ngày 30/3 là ngày chợ mong đợi của nam nữ các dân tộc. Người dân đi chợ từ hôm trước, gọi là “áp phiên”, các thiếu nữ chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất, gặp nhau giao lưu, hát giao duyên nhộn nhịp suốt đêm. Sau một đêm, nhiều đôi lứa đã bén duyên, trao nhau ánh mắt nồng nàn, vừa uống rượu, vừa tâm tình đến chiều tan chợ mới hát lời giã bạn, hẹn gặp nhau vào ngày chợ hội 15/8 (âm lịch). Trong suốt 5 tháng chờ đến ngày chợ hội sau, người con gái sẽ dành thời gian để khâu đôi giày mới tặng người mình thương. Qua đôi bàn tay khéo léo của người thiếu nữ, đôi giày được làm từ vải chàm, thêu hoa văn tinh tế hình rồng, phượng, mặt trăng… bằng kỹ thuật in sáp ong thủ công của đồng bào.

Như hẹn ước, đến đêm 14/8 (âm lịch) “áp phiên chợ hội’, người con gái trao đôi giày vải cho chàng trai, còn chàng trai tặng lại cho người con gái 10 phong bánh khảo nhân “tàu xá” được gói vuông vắn bằng loại giấy tím, đỏ. Sau đó, họ tìm nơi kín đáo tiếp tục tâm sự, hát giao duyên đến sáng rồi lại tay cầm tay ngồi uống rượu ngô, ăn bát phở “xá xíu”, lưu luyến đến chiều chợ tan vẫn không muốn chia tay.

Trong ngày hội, các đôi nam, nữ dân tộc Tày - Nùng thẹn thùng trao giày; những đôi nam nữ người Lô Lô co kéo nhau bằng dây quai túi đựng trầu cau (phụ nữ Lô Lô thường ăn trầu cau); từng tốp từ 2 - 3 đôi nam, nữ dân tộc Sán Chỉ trang phục sặc sỡ, đeo nhiều trang sức bằng bạc, hát giao duyên hay những đôi nam nữ dân tộc Mông tay cầm chai rượu vừa hát giao duyên, vừa mời rượu nhau nồng nàn; những chàng trai, cô gái dân tộc Dao với tục lệ giật khăn tay (khăn quàng cổ), vừa muốn tặng, vừa níu giữ như không muốn xa nhau… Những đôi má đỏ hồng vì men rượu, men tình cứ thế dùng dằng từ chiều ngày chợ “Háng toán” đến hôm sau mới về đến nhà.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay, ngày chợ tình của Bảo Lạc tuy vẫn duy trì, nhưng không giữ được đầy đủ những nét đặc trưng vốn có. Nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của địa phương, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, huyện Bảo Lạc tiến hành việc phục dựng ngày hội chợ tình truyền thống. Hình ảnh của ngày chợ tình đã được tái hiện, phục dựng lại trong 2 ngày 14, 15/8 (âm lịch), tức ngày 23, 24/9/2018 với tên gọi Ngày hội “Phong lưu”.

Ngày hội không chỉ khôi phục nguyên bản ý nghĩa của chợ tình - nơi hò hẹn, trao duyên của các đôi nam nữ, du khách đến với ngày hội còn được cảm nhận không khí tất bật, náo nhiệt của một phiên chợ vùng cao, nổi bật với các loại sản vật, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc. Từ trang phục và đồ dùng của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…, sản phẩm dệt của dân tộc Tày - Nùng đến các loại đặc sản, dược liệu như: hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, măng bào, thịt lợn chua, thịt lợn đen xông khói, gạo nếp thơm của những vùng đất nổi tiếng Đồng Mu, Khánh Xuân, gạo nếp nương của dân tộc Sán Chỉ; các loại bánh khảo nhân “tàu xá”, bánh cao lù, cao bông…, được làm thủ công từ những nguyên liệu quý của địa phương. Những bát phở “xá xíu” tỏa mùi hương của thảo quả, thảo dược, như tình yêu nồng nàn của nam, nữ các dân tộc Bảo Lạc.

Tham gia Ngày hội “Phong lưu” còn có các gian hàng giới thiệu sản phẩm của nhân dân các dân tộc huyện Nà Po (Trung Quốc). Du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian (tung còn, đẩy gậy, cờ người…) thật thú vị, hào hứng. Và những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc tạo nên một không gian văn hóa đầy sắc màu như lời mời gọi, níu chân du khách gần xa đến với Ngày hội “Phong lưu” của vùng đất miền Tây Cao Bằng.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của nhân dân trong địa bàn với du khách trong Tuần lễ văn hóa – Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc năm 2022. Ảnh: Hồng Tiềm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà, chợ tình “Phong lưu” được tổ chức hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tái hiện những giá trị đời sống, sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mang đậm tính nhân văn của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc. Đồng thời, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quảng bá hình ảnh đất và người, văn hóa đặc trưng của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Xã hội ngày nay phát triển không ngừng, cuộc sống của người dân cũng đổi thay hơn trước. Mặc dù vậy, chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc vẫn giữ nguyên trong đó quan niệm nhân văn sâu sắc, cùng những giá trị văn hóa và phong tục tập quán vô cùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Dẫu đến một lần, nhưng phiên chợ tình sẽ mang lại cho du khách những cảm xúc đầy mới lạ, những phút giây mơ màng xao xuyến, những dư âm khó có thể mờ phai trong ký ức.

Cùng với đó, vào những ngày đầu tháng Giêng hàng năm, khắp các bản làng, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc tưng bừng tổ chức các lễ hội để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, như Hội Lồng tồng, Lễ cầu mưa, Tết Thanh minh… Đây cũng là dịp để nhân dân được giao lưu văn hoá, văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Các hoạt động lễ hội này đã mang những nét đẹp văn hoá độc đáo, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất với niềm tin, thắng lợi mới, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Bài 2: Tạo “cú hích” cho du lịch Bảo Lạc phát triển

Hồng Tiềm


top