Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Đa dạng các hình thức phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Gia Lai

Biên phòng - Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động và đa dạng các hình thức tuyên truyền hướng tới việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Những nỗ lực đó được các cấp, các ngành đánh giá cao.

Nhiều hội thi với chủ đề “Hãy nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” được triển khai tại các địa phương. Ảnh: Tiêu Dao

Triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều hoạt động được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là đồng bào DTTS. Nhờ vậy, số trường hợp hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn giảm đáng kể. Tuy nhiên, số trường hợp tảo hôn vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Theo số liệu thống kê, năm 2015, toàn tỉnh Gia Lai có 1.132 trường hợp tảo hôn, đến năm 2020, tỷ lệ tảo hôn đã giảm đáng kể còn 869 vụ. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa mà còn xuất hiện ở một số vùng có điều kiện thuận lợi hơn như thành phố Pleiku. Từ năm 2021 đến tháng 5/2023, toàn tỉnh Gia Lai có 2.224 cặp tảo hôn, trong đó có 2.185 cặp tảo hôn là người DTTS (chiếm trên 98%); ngoài ra còn có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Nhiều địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao như huyện Ia Pa, từ năm 2021 đến nay, có 205 cặp tảo hôn (chiếm 15,73%), trong đó, số cặp tảo hôn là người DTTS chiếm 99,02%. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện có 41 trường hợp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn trung bình của người DTTS đối với nam khoảng 18-19 tuổi, nữ khoảng 15-17 tuổi.

Còn tại huyện Ia Grai, tính đến hết tháng 7/2023, toàn huyện Ia Grai có 58 trường hợp tảo hôn, giảm 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm gần 14% so với các trường hợp đăng ký kết hôn trên địa bàn. Từ năm 2022 đến ngày 15/4/2023, huyện Đức Cơ cũng có 115 trường hợp tảo hôn, 100% là người dân tộc thiểu số.

Tại hội nghị tìm giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tổ chức vào đầu tháng 5/2023, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cũng như khó khăn, hạn chế trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Hội phụ nữ các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Tiêu Dao

Thực tế cho thấy, các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chủ yếu được hai bên gia đình đồng ý và tổ chức cưới theo phong tục mà không đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn muộn; một bộ phận thanh thiếu niên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi phim ảnh, mạng xã hội dẫn đến có thai ngoài ý muốn, buộc hai bên gia đình phải tổ chức cưới. Cùng với đó, công tác đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch, hộ khẩu tại một số địa phương chưa chặt chẽ; việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa kiên quyết…

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Gia Lai đã triển khai hơn 30 mô hình nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Có tới 89 Câu lạc bộ "Phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" với 2.550 thành viên tham gia. Các thành viên tham gia câu lạc bộ chủ yếu là phụ nữ đang có con gái, con trai ở độ tuổi từ 10 đến 20 tuổi.

Thông qua các câu lạc bộ này, cán bộ Hội tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các hoạt động do các cấp Hội triển khai được hội viên, phụ nữ hưởng ứng và có những nhận thức, hiểu biết nhất định, nhiều mô hình được thành lập, nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức và đến được với chị em phụ nữ người DTTS. Điển hình như Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” ở xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thành lập từ tháng 4/2023 hoạt động ngày càng hiệu quả. Các thành viên câu lạc bộ cùng tham gia tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên hiểu rõ về những hệ lụy của tảo hôn.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các địa phương của huyện Ia Grai đã vận động, thuyết phục được 5 trường hợp từ bỏ ý định tảo hôn; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp và tổ chức cho gia đình ký cam kết không để các đối tượng tảo hôn. Câu lạc bộ “Phụ nữ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã Ia Grăng, Ia O, Ia Tô hoạt động hiệu quả. Huyện đoàn Ia Grai thành lập 3 Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” tại các xã Ia Tô, Ia Hrung, Ia Bă.

Tại huyện Ia Pa, thời gian qua, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như hoạt động truyền thông, vận động về vấn đề này luôn được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, các ban, ngành của huyện đã phối hợp với UBND các xã lồng ghép tuyên truyền trực tiếp 103 buổi với hơn 5.200 người tham gia; phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Pờ Tó với 80 đại biểu tham gia. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp đến người dân với các văn bản pháp luật như: Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... cho 2.730 người.

Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Phòng Tư pháp và Trung tâm Y tế huyện biên soạn tài liệu, cấp phát cho 320 người tham dự tập huấn về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tiếp nhận từ Ban Dân tộc tỉnh và cấp phát cho các xã 1.500 tờ rơi (bằng 3 thứ tiếng Việt, Bahnar, Jrai) về nội dung tương tự. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng ra mắt 9 câu lạc bộ truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong 2 năm (2022 và 2023), huyện đã bố trí 380 triệu đồng để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng trên.

Còn tại huyện Ia Grai, địa phương này đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo và bố trí 917 triệu đồng để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phòng Dân tộc huyện đã in 7.500 tờ rơi cấp phát cho cán bộ thôn, làng và nhân dân trên địa bàn; lắp đặt 4 pano tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 4 xã: Ia Chía, Ia O, Ia Grăng, Ia Khai và sử dụng phim tài liệu, tiểu phẩm làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai phối hợp với Phòng Dân tộc, UBND các xã xây dựng, duy trì hoạt động 6 câu lạc bộ “Phụ nữ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Huyện đoàn Ia Grai xây dựng 4 Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn duy trì 8 mô hình liên quan đến sức khỏe sinh sản và giới tính...

Cùng với đó, nhiều địa phương đã có sáng kiến trong việc đưa nội dung ‘Nói không với tảo hôn” vào hương ước, quy ước của thôn, làng để góp phần hạn chế tảo hôn tại địa phương. Thông qua các mô hình “Nói không với tảo hôn" giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, gia đình hội viên, phụ nữ, nhân dân, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai cũng tích cực tổ chức các hội thi với chủ đề “Hãy nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” như các huyện Phú Thiện, Đak Đoa... Bên cạnh đó, tại các khu vực biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đấu tranh phòng, chống tảo hôn. Trong đó, Đồn Biên phòng Ia Pnôn đã phân công cán bộ, chiến sĩ đến từng làng tuyên truyền miệng, tuyên truyền tập trung, tuyên truyền bằng loa lưu động giúp người dân nắm vững những quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, vấn nạn này rất khó để ngăn chặn triệt để. Tỉnh Gia Lai đã giải ngân thêm gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các nội dung: Tổ chức 106 hội nghị tập huấn cho già làng, người có uy tín, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của thôn, làng với 9.180 lượt người tham dự; cấp phát 36.375 tờ gấp, lắp đặt 40 cụm pano, 60 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; triển khai hơn 30 mô hình “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và 5 phiên tòa giả định.

Tỉnh Gia Lai phấn đấu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỉ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Phấn đấu đến năm 2025, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Tiêu Dao


top