Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước

Biên phòng - Song song với vấn đề chăm lo, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng đội ngũ cốt cán, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo… được xem là yếu tố quan trọng để phát huy các giá trị văn hóa của tôn giáo, khuyến khích đồng bào sống “tốt đời đẹp đạo”, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

Đồng bào Khmer ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có đời sống ấm no nhờ nuôi và chế biến khô cá bổi.

Vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo

Báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy, hiện có khoảng trên 2,8 triệu người DTTS theo các tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS), trong đó, khoảng 8,7% theo Phật giáo; 6,1% theo đạo Tin lành; 3,7% theo Công giáo; 0,56% theo Hồi giáo.

Đến nay, đa số người DTTS vẫn theo tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần với quan niệm “vạn vật hữu linh” và các hình thái tôn giáo sơ khai. Với hầu hết các DTTS, tín ngưỡng truyền thống, tôn giáo có vai trò rất quan trọng, là một yếu tố củng cố sự cố kết cộng đồng, duy trì đạo đức và trật tự xã hội. Với một số DTTS, tôn giáo đã xâm nhập, phát triển từ lâu và hòa quyện với vấn đề dân tộc như: Người Khmer Nam bộ theo Phật giáo Nam tông Khmer; người Chăm theo Hồi giáo (Bàni và Islam) và Bàlamôn giáo.

Giai đoạn 2018 - 2020, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được áp dụng và dần đi vào cuộc sống; chính quyền các cấp, các tổ chức từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chăm lo hơn đến đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS.

Trong đó, có việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS theo các tôn giáo; luôn tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật; sẵn sàng lắng nghe, giải quyết những khó khăn để đảm bảo cho đồng bào được sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể như, với Ninh Thuận và Bình Thuận - hai địa phương có người Chăm sinh sống tập trung đông nhất cả nước, đã có 5 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận và Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng DTTS cơ bản ổn định, tuân thủ đúng pháp luật. Đồng bào DTTS theo các tôn giáo sống không chỉ chung lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; mà còn giữ mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, có nhiều kết quả tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chống tác hại của biến đổi khí hậu.

Gần đây nhất, trước những khó khăn của dịch Covid-19, sự khốc liệt của thiên tai, thảm họa môi trường, đồng bào DTTS theo các tôn giáo đã thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân tộc của người dân Việt Nam; tích cực kêu gọi, quyên góp tiền, trang thiết bị y tế, thực phẩm… cùng nhân dân cả nước tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam quyết tâm, kiên cường, vững vàng vượt qua dịch bệnh, thiên tai.

Đi dọc theo chiều dài đất nước, có thể gặp được những tấm gương đồng bào DTTS theo Hồi giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin lành… tích cực về phát triển kinh tế; gìn giữ văn hóa; vận động đồng bào trong thôn, bản, khóm, ấp tuân thủ pháp luật, phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc”, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Nâng cao nhận thức, quan tâm hơn nữa tới tín ngưỡng, tôn giáo

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc về tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018 - 2020; bên cạnh những kết quả tích cực của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; phân tích, nhận định, đánh giá của các đại biểu cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế về tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào DTTS tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Trong đó, các thế lực thù địch và bọn phản động ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; kích động các hoạt động đòi “ly khai”, “tự trị” và lôi kéo người DTTS tham gia các hoạt động thành lập “nhà nước”, “vương quốc” riêng của người DTTS; kích động các hoạt động biểu tình, bạo loạn, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Thêm vào đó, sự xuất hiện và hoạt động của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” đã có những tác động không nhỏ đến an ninh trật tự - đời sống xã hội tại các khu vực có đông đồng bào DTTS.

Với mong muốn khắc phục một số khó khăn, hạn chế trong hoạt động tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS; tạo điều kiện để đồng bào sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, đúng pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”…, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đã họp bàn và thống nhất phối hợp thực hiện một số hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và người dân về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Sớm đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chính sách, tiêu chuẩn xây dựng đội ngũ cốt cán trong tôn giáo nói chung, cốt cán tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS nói riêng theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị.

Song song với đó, nghiên cứu chính sách đặc thù ưu tiên tuyển dụng người DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vào cơ quan dân vận, dân tộc, tôn giáo của địa phương, đặc biệt là đối với cấp cơ sở tại các địa bàn trọng điểm; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã về công tác tôn giáo và dân tộc, nhất là những địa bàn chiến lược, trọng điểm về dân tộc, tôn giáo.

Đặc biệt, trước những hoạt động phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng DTTS, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Dân tộc tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, tình hình, từ đó, tham mưu, đề xuất những chủ trương, giải pháp với Bộ Nội vụ và Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hiện tượng tôn giáo mới hoạt động trái pháp luật, “tà đạo”, “đạo lạ” hoạt động mang tính chất cực đoan, chống đối chính trị; không để chúng kích động, lôi kéo đồng bào tham gia vào các hoạt động bạo loạn, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Phương Tú


top