Chung tay đẩy lùi tảo hôn ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Tin tức thời sự
- |
- Thứ sáu, 10/11/2023 09:46 GMT+7
Biên phòng - Vùng biên giới tỉnh Quảng Trị là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô... Do đặc thù yếu tố về địa lý, trình độ dân trí nên nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để không ngừng nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian qua, trên địa bàn các xã biên giới thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đồn Biên phòng, lực lượng chức năng tổ chức Hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Tại các xã vùng biên giới thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông nhiều năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến. Trong đó, trẻ em gái vị thành niên chính là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bản thân các em sau khi lấy chồng sớm vừa phải làm mẹ, vừa phải giữ vai trò là lao động chính trong mỗi gia đình. Vì thế, dù đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở nhưng những “bà mẹ nhí” hầu như chẳng được nghỉ ngơi trong khi không có kiến thức chăm sóc thai nhi hay trẻ sơ sinh, nhất là việc sàng lọc trước sinh, khám thai định kỳ… Do vậy, trẻ em bị suy dinh dưỡng cả chiều cao lẫn cân nặng luôn chiếm tỷ lệ cao.
Theo số liệu ghi nhận được từ 14 xã, thị trấn biên giới thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thì tỷ lệ tảo hôn giao động khoảng từ 7 đến 10% trong tổng số các cặp kết hôn, điều đáng mừng là tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được chấm dứt hoàn toàn. Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đến đầu tháng 11/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các đồn Biên phòng tổ chức triển khai 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, vận động; công tác tư vấn, can thiệp lồng ghép trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông; 10 hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và 14 hội nghị về vấn đề này.
Để tham gia hội thi, mỗi đội chơi phải trải qua 4 phần thi gồm: Trả lời bộ câu hỏi chỉ dành riêng cho đội của mình; hùng biện nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xử lý tình huống thực tế và phần thi tiểu phẩm. Là thành viên tham gia hội thi, thuộc đội chơi của thôn Ro Ró, xã A Vao, chị Hồ Thị Lan chia sẻ: “Hội thi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực và rất bổ ích cho người dân trên địa bàn. Những nội dung tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được các đội thi khéo léo chuyển thể thành những tiểu phẩm nên không còn khô cứng, vì thế người dân dễ nắm bắt, dễ ghi nhớ và “thấm” sâu hơn”.
Đêm ngày 22/9/2023, hội thi được tổ chức tại sân trụ sở xã A Vao đã thu hút gần 400 người đến theo dõi, khi hội thi kết thúc, nhiều người dân đã bày tỏ sự hiểu biết của mình về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ những tiểu phẩm thực tế do các đội thi trình diễn. Ông Hồ Văn Pin, 58 tuổi, thôn Ro Ró chia sẻ: “Xem xong hội thi, mình hiểu ra được nhiều vấn đề về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Người già cũng phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này để thôn Ro Ró không còn tảo hôn nữa”.
Còn tại xã Ba Nang, hội thi thu hút hơn 300 người đến xem các phần tranh tài của 7 đội thi, những khán giả có mặt tại sân UBND xã Ba Nang đều đồng tình với cách giải quyết vấn đề từ tiểu phẩm “Xin đừng bắt con lấy chồng sớm” của đội thi thôn Sa Trầm.
Tiểu phẩm là câu chuyện kể về một bé gái mới 12 tuổi đang còn vui vẻ cắp sách đến trường cùng bạn bè thì bố, mẹ và cả ông bà, chú bác bắt em phải nghỉ học để lấy chồng vì đã nhận nhiều lễ vật của nhà trai. Mặc cho em van xin nhưng người lớn vẫn kiên quyết không thay đổi ý định. Buồn tủi cho thân phận mình, em gái đã có ý nghĩa tìm đến cái chết bằng việc lên rừng tìm lá ngón để ăn. May mắn sao, em gặp các chú BĐBP đang đi nắm tình hình địa bàn, biết được tình cảnh của em nên đã can ngăn kịp thời.
Để giúp cháu bé không bị người lớn cưỡng ép tảo hôn, các cán bộ Biên phòng đã phối hợp cùng cán bộ phụ nữ đến tận nhà tuyên truyền, động viên, cuối cùng cả hai bên gia đình đã nhận ra cái sai, không ép cháu bé lấy chồng sớm nữa để rồi ngày ngày cháu bé được tiếp tục đến trường cùng bạn bè.
Tham gia cùng đội thi thôn Sa Trầm, Đại úy Nguyễn Hồng Văn, cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang chia sẻ: “Hội thi là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các tiểu phẩm do chính người dân địa phương xây dựng kịch bản và biểu diễn đã bám sát thực tế nên người dân xem luôn cảm thấy dễ hiểu, dễ thấm để. Từ đó, họ tự giác thực hiện đúng pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần ngăn chặn, tiến tới giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong thôn, bản mình”.
Đến đầu tháng 11/2023, hội thi đã được triển khai tại 7 xã biên giới, hiệu quả đạt được là rất lớn, nhiều người dân sau khi xem đã có ý kiến hội thi nên tổ chức hàng năm và không chỉ ở sân UBND xã mà đưa về tận các thôn, bản để tạo sự lan tỏa rộng hơn.
Ông Đinh Văn Nhân, Trưởng phòng Chính sách Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết: “Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đồn Biên phòng để tổ chức hội thi ở những địa phương còn lại. Qua theo dõi, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của lực lượng BĐBP trong công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn thôn, bản biên giới. Ngay như tại hội thi lần này cũng vậy, đội nào có cán bộ biên phòng trực tiếp tham gia hoặc giúp đỡ về mặt nội dung thì đội thi ấy đều đạt giải cao và chất lượng tuyên truyền rất tích cực”.
Với việc đa dạng về hình thức tuyên truyền bằng cách tổ chức các hội thi ngay tại địa bàn các xã vùng cao, biên giới, tin tưởng rằng, công tác tuyên truyền sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân để thời gian tới tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới ở tỉnh Quảng Trị sẽ giảm dần và sớm chấm dứt.
Nguyễn Thành Phú