Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Chú trọng đào tạo nghề nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Nhằm giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Gia Lai luôn chú trọng công tác đào tạo nghề nông thôn. Từ đó, giúp người dân nâng cao trình độ kiến thức trong nhiều lĩnh vực, tạo công ăn việc làm ổn định, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng rau an toàn của học viên làng Lợt, xã Kông Bờ La, huyện Kbang sau khi tham gia khóa đào tạo nghề. Ảnh: Thùy Dung

Nhiều kết quả khả quan

Thời gian qua, huyện Kbang đã mở rất nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn với phần lớn học viên là người đồng bào DTTS. Các lớp đào tạo nghề được mở ra nhằm giúp người dân nâng cao trình độ kiến thức, biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào trong lao động sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt năng suất và giá trị kinh tế cao, giúp tăng nguồn thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hơn một tháng tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn về “trồng rau an toàn” do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang tổ chức, hơn 30 chị em người Ba Na ở làng Lợt (xã Kông Bờ La) đã biết cách trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để phục vụ gia đình. Chị Đinh Thị Rim cho biết: “Thông qua khóa học, tôi và các chị em trong làng đã biết trồng và chăm sóc rau cho năng suất cao. Chị em đã biết áp dụng KH-KT vào chăm sóc cây trồng thay thế cho phương pháp trồng rau truyền thống, kém hiệu quả. Nhờ vậy, sau khóa học này, các học viên đều có thêm kiến thức, kinh nghiệm để trồng rau sạch phục vụ gia đình và bán ra ngoài thị trường để tăng thêm thu nhập”.

Cũng tham gia lớp đào tạo nghề nông thôn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang mở tại thôn 3 (xã Kông Bờ La), anh Đinh Thách đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích. Sau hơn 1 tháng tham gia khóa học sửa chữa máy cày công suất nhỏ, anh Thách đã biết vận dụng kiến thức vào thực tế để phục vụ gia đình. Anh Đinh Thách chia sẻ: “Trước đây, thanh niên trong làng rất ít quan tâm đến lĩnh vực này và không biết sửa chữa nên khi hư hỏng đều mang ra tiệm sửa chữa, rất tốn kém. Hiện nay, thông qua lớp đào tạo, chúng tôi đã biết sửa chữa máy móc của gia đình khi bị hư hỏng. Một vài học viên còn nhận sửa cho người dân địa phương, từ đó, giúp tăng thu nhập cho gia đình”.

Tương tự, tại huyện Chư Prông, công tác đào tạo nghề cũng luôn được chú trọng, quan tâm. Các học viên tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề đều có công ăn, việc làm ổn định. Anh Siu Hlô (xã Drăng) cho biết: “Năm 2018, mình tham gia lớp học nghề thợ nề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức dạy. Sau khi kết thúc lớp học, mình đã biết xây dựng một số công trình cơ bản. Hiện nay, mình cũng liên hệ với các chủ thầu ở làng để tham gia xây dựng các công trình dân dụng để có thêm thu nhập trang trải trong gia đình”.

Chú trọng đào tạo nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Dương Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang cho biết: “Trong thời gian qua, huyện Kbang rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề nông thôn. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã mở được 5 lớp đào tạo nghề nông thôn, thu hút được 150 học viên là người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, với nhiều lĩnh vực như: Trồng rau an toàn; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, thủy sản; nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò; sửa chữa máy cày công suất nhỏ; trồng và chăm sóc cây mắc ca”.

Các học viên của lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ ở thôn 3, xã Kông Bờ La đang thực hành sửa chữa. Ảnh: Thùy Dung

“Các đối tượng tham gia vào công tác đào tạo nghề chủ yếu là người dân thuộc các làng vùng sâu, vùng xa, người đồng bào DTTS ít tiếp cận được KH-KT. Các lớp đào tạo nghề được mở ra, đã mang lại nhiều hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS. Vì từ trước đến nay, người dân thường canh tác theo tập tục lạc hậu, kém năng suất. Đến nay, thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân đã biết cách áp dụng KH-KT, biết sử dụng giống mới, chăn nuôi các con vật lai, biết sử dụng phân bón, trồng cây trồng mới như mắc ca, sầu riêng. Đồng thời, người dân biết sửa chữa máy móc tại nhà, từ đó, giảm được chi phí, chủ động được thời gian. Việc dạy nghề cũng giữ chân lao động tại địa phương, giúp cho họ không phải ly hương tìm công việc khác, tránh việc bị dụ dỗ qua nước ngoài làm việc” - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kbang thông tin thêm.

Còn theo ông Võ Văn Lương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện rất chú trọng thực hiện. Trong đó, ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khuyết tật và đồng bào DTTS. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã mở được 70 lớp đào tạo nghề cho 1.764 học viên; dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ mở thêm 4 lớp với khoảng 80 học viên tham gia.

“Sau khi tốt nghiệp các lớp học, các học viên đều có thêm kiến thức và nghề ổn định để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, một số ban, ngành của huyện cũng đã khuyến khích các học viên áp dụng những kiến thức đã học vào các mô hình thực tế tại địa phương, thông qua đó, tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho các học viên, giúp họ tự tin hơn khi phát huy được kiến thức đã học” - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Prông cho biết thêm.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp cho hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật. Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 59.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động DTTS. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động biết cách tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng KH-KT để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được UBND tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS, chủ yếu trên 2 lĩnh vực: nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đó, đã tạo được công ăn việc làm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người đồng bào DTTS. Thông qua công tác đào tạo nghề nông thôn đã giúp cho người dân định hướng được nghề nghiệp, phát triển tại địa phương trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tiếp tục thực hiện công tác phối hợp với tất cả các địa phương, đặc biệt là triển khai 3 chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến người nghèo, người DTTS để giải quyết việc làm, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.

Thùy Dung


top