Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy lùi “căn bệnh nan y”

Biên phòng - Những năm qua, các cơ quan chức năng cùng với các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai các chương trình nhằm giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết( TH&HNCHT). Từ đó, người dân từng bước thay đổi nhận thức, loại bỏ hủ tục này ra khỏi đời sống.

Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu, trao đổi về nạn TH&HNCHT với nhân dân xóm Lũng Gà, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Ảnh: Nông Huế

Nỗ lực đẩy lùi vấn nạn

Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, các hoạt động khảo sát, giám sát... nhận thấy tình trạng TH&HNCHT ở đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn diễn biến khá phức tạp, đại biểu HĐND tỉnh Nông Văn Phong, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh quan tâm, đặt câu hỏi cho Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng - Ông Bế Văn Hùng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026: "Qua theo dõi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh ta qua các năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Từ thực trạng trên, đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan đồng thời có giải pháp gì để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới?".

Trả lời tại phiên chất vấn, ông Bế Văn Hùng đã báo cáo khái quát thực trạng TH&HNCHT, những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án nhằm giảm thiểu vấn nạn này, đồng thời nhấn mạnh: "TH&HNCHT là hủ tục lạc hậu gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, đấu tranh bài trừ tệ nạn TH&HNCHT là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Theo ý kiến của tôi, việc nâng cao nhận thức cho người dân nơi đây vẫn là giải pháp quan trọng, để làm được điều đó cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động; tăng cường vai trò lãnh đạo quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự vào cuộc..."

Với mục tiêu đề ra đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương và đạt được một số kết quả nhất định: Giai đoạn 2021 - 2023: Toàn tỉnh có 666 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 32,3%, giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020; có 310 cặp tảo hôn 1 người, 356 cặp tảo hôn cả 2 người. Về hôn nhân cận huyết thống: Giai đoạn 2021 - 2023: Toàn tỉnh có 6 cặp tảo hôn chiếm tỷ lệ 18,8%, giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020...

Chia sẻ về biện pháp phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với trẻ vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết, Chi cục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đưa nội dung giáo dục dân số, giới, giới tính, bình đẳng giới và kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh khối các trường THCS, THPT; trường chuyên nghiệp, trường nghề trên địa bàn toàn tỉnh dưới nhiều hình thức phong phú như: Hội thi, Tọa đàm, Rung chuông vàng, nói chuyên chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa tích hợp trong các tiết học…

Ngành Y tế cũng đã phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thống, ngoại khóa, lồng ghép về công tác dân số, chăm sóc SKSS, TH&HNCHT tại các trường học THCS, THPT với các nội dung phong phú, bằng nhiều hình thức, cung cấp những kiến thức cơ bản tác hại và ảnh hưởng của việc TH&HNCHT…

Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS Pác Miầu (huyện Bảo Lâm). Ảnh: Nông Huế

Bà Đàm Thị Trung Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh chia sẻ: Cùng với công tác dạy và học, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc SKSS; hệ lụy của nạn TH&HNCHT; phòng, chống TH&HNCHT. Các trường học không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo như: Sân khấu hóa, thi vẽ tranh, hình ảnh trực quan, sinh động, phát tờ rơi, thông qua mạng xã hội, tập huấn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT…

Ghi nhận tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cô giáo Phạm Minh Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt là vào các buổi thứ 2 đầu tuần và các buổi họp phụ huynh, lồng ghép nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh cũng như phụ huynh trong công tác phòng chống TH&HNCHT. Nhờ đó mà vấn đề TH&HNCHT trong những năm trở lại đây đã không còn xảy ra…

Cần các giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai, duy trì nhiều mô hình điểm với những mục tiêu, tiêu chí và giải pháp cụ thể. Thực hiện các nội dung trong Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, đã tổ chức ra mắt và hướng dẫn triển khai thực hiện các hoạt động thuộc các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo quyết định này, nhằm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh tiếp tục duy trì 7 mô hình giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng thêm 26 mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ TH&HNCHT cao... Đơn cử như hoạt động xây dựng, triển khai thực hiện mô hình điểm tại xã Bình Lãng (huyện Hà Quảng) từ năm 2015 đến 2020 giảm từ 7 cặp tảo hôn xuống còn 1 cặp, tư vấn can thiệp 1 cặp tảo hôn chưa sinh con và tiếp tục đi học phổ thông; 6 huyện còn lại trong 2 năm thực hiện mô hình điểm tình trạng tảo hôn giảm rõ rệt, đến nay không còn kết hôn cận huyết thống.

Ông Vương Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Vinh (huyện Trùng Khánh) vui mừng chia sẻ với chúng tôi: Từng là địa bàn diễn ra nạn TH&HNCHT khá phổ biến, nhưng tới nay, vấn nạn này đã cơ bản chấm dứt tại xã Quang Vinh. Năm 2016, xã Quang Vinh được Ban Dân tộc tỉnh, huyện lựa chọn xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền TH&HNCHT, theo đó cấp ủy, chính quyền xã thành lập 2 tổ tuyên truyền viên cấp xã, phụ trách chỉ đạo trực tiếp các tổ tuyên truyền viên cấp xóm, thành lập 8 tổ tuyên truyền cấp xóm tại 8 xóm. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai các nội dung của Đề án tại cơ sở. Các tổ tuyên truyền gồm những người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS, gần gũi, dễ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về TH&HNCHT, trực tiếp nắm tình hình TH&HNCHT, khảo sát nhu cầu của người dân, học sinh về nội dung trọng tâm cần tư vấn, tuyên truyền, vận động nhân dân, học sinh...; thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác tư vấn phù hợp với nhận thức của người dân.

Ông Nông Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm nhìn nhận: TH&HNCHT mang lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS. Chính bản thân các em khi kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống sẽ là nạn nhân của thất học, không có việc làm, nghèo đói và bệnh tật. Thực trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trên địa bàn huyện và không còn xa lạ với người dân địa phương. Do đó, để thay đổi nhận thức cho người dân, xóa bỏ những tập tục lạc hậu trên địa bàn huyện không phải một sớm một chiều, cần phải có thời gian và sự đồng lòng, chung tay gắng sức của toàn xã hội.

Nông Huế


top