Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Bộ tộc Lisu với trang phục truyền thống độc đáo

Biên phòng - Lisu là bộ tộc sinh sống ở vùng cao các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Nơi người Lisu định cư đầu tiên là khu vực sông Salween ở Trung Quốc; sau đó, người Lisu di cư và định cư ở các nước châu Á khác. Trang phục truyền thống của người Lisu có màu sắc được cho là sặc sỡ nhất so với các bộ tộc khác trong cùng khu vực. Điều này tạo nên sự khác biệt và là điểm thu hút khách du lịch của bộ tộc Lisu.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Lisu. Ảnh: ROBERT HARDING

Phụ nữ và trẻ em gái Lisu mặc quần áo truyền thống thường xuyên hơn so với đàn ông Lisu vì đàn ông phải làm các công việc săn bắn và làm bẫy thú. Phong cách quần áo truyền thống của người Lisu đã thay đổi khá nhiều qua các thế hệ. Trước đây, việc dệt vải được thực hiện thủ công, nhưng bây giờ đã sử dụng máy móc. Các thiết kế ngày càng phức tạp và đẹp hơn, với nhiều chi tiết nhỏ hơn. Phụ nữ Lisu thường mặc những chiếc váy truyền thống dài dưới đầu gối. Váy có màu xanh lam hoặc xanh lá cây, được trang trí bằng những dải vải nhiều màu sắc quanh cổ và một phần đính ở tay áo. Tay áo ưu tiên sử dụng màu đỏ để tương phản với màu áo xanh.

Người Lisu để dành những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất của mình để mặc trong dịp lễ đón năm mới âm lịch. Bộ trang phục không những độc đáo về mặt màu sắc, mà còn có các chi tiết đặc biệt như thắt lưng, tua rua, mũ đội đầu và đồ trang sức bằng bạc. Dịp năm mới cũng là thời điểm thanh niên Lisu kiếm tìm người bạn đời, vì vậy, các chàng trai, cô gái Lisu luôn cố gắng trang trí trang phục truyền thống sao cho đặc sắc nhất để thu hút “nửa kia” của mình. Trong dịp tháng Giêng âm lịch, bộ tộc Lisu còn tổ chức Lễ hội mùa xuân, trong đó, người dân làng cắm trại, nấu nướng và thi hát, nhảy múa, ngâm thơ.

Khi lao động, người Lisu thường đeo các túi trắng hình chữ nhật được trang trí các sọc vải đỏ. Túi cũng được người Lisu đeo trong các dịp hiếu hỉ. Những chiếc túi này thường được trang trí hoa văn tinh xảo và đẹp mắt bằng các hạt cườm nhỏ.

Các ngôi làng trong các cộng đồng người Lisu thường rất đông đúc với khoảng 2.000 cư dân. Làng thường được xây dựng gần nguồn nước như sông, suối do người Lisu tin vào sức mạnh thần thánh từ nước. Mỗi làng cũng dành một khu vực để đặt các ban thờ tôn kính các vị thần khác nhau; trong đó, quan trọng nhất là thần hộ mệnh của làng. Tôn giáo của bộ lạc Lisu là sự kết hợp giữa thờ cúng tổ tiên và thần linh.

Người Lisu tin rằng tất cả vạn vật đều có một linh hồn liên kết. Linh hồn mang ý nghĩa quan trọng nhất là linh hồn của tổ tiên, nước, núi và làng. Lễ vật được để trong các ban thờ của làng và các nghi lễ đặc biệt được tiến hành xung quanh khu vực này. Đứng đầu mỗi làng là trưởng làng - người có quyền đứng ra phân xử các vấn đề tranh chấp trong làng. Trong làng còn có một thầy cúng chịu trách nhiệm thông báo các ngày quan trọng diễn ra trong năm cho dân làng và thực hành các nghi lễ.

Hầu hết các ngôi nhà của Lisu được xây dựng trên mặt đất bằng phẳng với những vách tre xung quanh. Số lượng phòng tùy theo quy mô gia đình; trong đó, nhà nào có con gái chưa chồng sẽ có một phòng riêng. Nhà nào cũng có bàn thờ với bát hương để thờ cúng tổ tiên. Người Lisu sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi. Ngô và kiều mạch là thực phẩm chính của người Lisu. Ngoài ra, họ thường uống trà và rượu. Một phần thu nhập của người Lisu là từ các ngành công nghiệp gia dụng như may, thêu và làm đồ trang sức bằng bạc.

Với trang phục cầu kỳ, nghi lễ, hệ thống tín ngưỡng và phong tục, những nơi bộ tộc Lisu sinh sống là các điểm hấp dẫn nhất của khách du lịch ở Đông Nam Á. Văn hóa truyền thống của người Lisu vẫn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay và không bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hóa.

Thu Minh


top